Một buổi trưa tại khu cách ly Trường THCS Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương, tiếng gọi gấp gáp bất ngờ phát ra từ căn phòng bệnh trên tầng 2. Tại đây, một sản phụ có dấu hiệu trở dạ, người nhà cuống quýt nhờ trợ giúp.

Nghe tiếng hô hoán, 2 tình nguyện viên (TNV) Phạm Mai Mi và Nguyễn Hoàng Hiệp lập tức chạy lên giúp đỡ.

Mi là sinh viên năm nhất ngành Y đa khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; còn Hiệp là sinh viên năm cuối khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

2 sinh viên hỗ trợ sản phụ sinh con

Chia sẻ với Zing, Hoàng Hiệp cho biết vào khoảng 13h ngày 13/8, sản phụ quê Sóc Trăng tại khu cách ly xuất hiện tình trạng đau bụng, vỡ ối và sắp sinh. Gia đình họ gồm vợ chồng và 3 người con đều là F0.

TNV do de cho san phu anh 1

Hiệp và Mi luôn động viên, khích lên nhau cùng cố gắng khi làm nhiệm vụ.

Hiệp và Mi rất rối ren, cô nữ sinh trường y năm nhất chưa từng trải qua tình huống tương tự. Cả 2 cho rằng sản phụ cần nhập viện khẩn cấp để có được sự can thiệp y tế tốt nhất.

Tuy nhiên, khi chưa kịp gọi xe cấp cứu, em bé đã bắt đầu ra khỏi bụng mẹ. Mi không còn cách nào khác, vội vàng đỡ lấy đứa trẻ trên tay, khóc nức nở. Cạnh đó, Hiệp cũng bật khóc vì lo lắng.

"Cả mình và Mi đều chưa có kinh nghiệm hỗ trợ sản khoa, nhưng trong tình thế gấp gáp, chúng mình phải giúp sản phụ đón em bé. Người nhà sản phụ cũng rất rối, anh chồng đứng cầm chặt tay vợ.

Lúc mới ra khỏi bụng mẹ, bé trai không khóc, cả mình và Mi rất lo lắng. Chúng mình bật khóc vì sợ điều không may", Hiệp kể lại.

TNV do de cho san phu anh 2

2 bạn trẻ đón em bé chào đời.

Khi Mi vừa đỡ em bé trên tay, chị Bùi Thị Quỳnh Anh, bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế TP Thuận An, kịp thời có mặt.

Nữ bác sĩ nhanh chóng sơ cứu, theo dõi tình trạng của sản phụ và bé sơ sinh.

Cũng lúc này, em bé cất tiếng khóc đầu đời. Nghe tiếng khóc của đứa trẻ, tất cả đều thở phào nhẹ nhõm. Trong đó, Hiệp và Mi cũng khóc theo vì vui mừng.

"Khoảnh khắc hạnh phúc, yên tâm nhất là khi em bé khóc. Lúc này chúng mình biết bé đã an toàn rồi. Bé chào đời nặng khoảng 2 kg.

Sản phụ được nằm hồi sức ngay tại khu cách ly. Các bác sĩ theo dõi, cho biết sức khoẻ của chị và bé ổn định, không cần nhập viện", Hiệp cho biết.

Những ngày sau đó, Hiệp và Mi đều thường xuyên hỏi thăm, giúp đỡ sản phụ chăm sóc và tắm cho em bé. Biết gia cảnh chị khó khăn, cả 2 còn kêu gọi nhiều người dân khác trong khu cách ly hỗ trợ cho gia đình chị.

"Đến giờ chúng mình vẫn còn run. Mình không phải sinh viên y khoa, Mi cũng mới là sinh viên năm nhất. Chúng mình chỉ cố gắng làm tất cả những gì có thể trong tình huống đó.

Em bé và sản phụ khỏe mạnh là niềm vui lớn nhất với chúng mình", Hiệp chia sẻ.

Yêu nhau từ nơi tình nguyện

Từ thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TP.HCM, Hiệp và Mi đã đăng ký trở thành TNV chống dịch. Cùng nhau đảm nhận nhiều nhiệm vụ, cả 2 quý mến và chính thức hẹn hò.

Giữa tháng 6, Hiệp và Mi cùng xung phong đến Bình Dương hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh. Trường THCS Thuận Giao nơi cả 2 làm nhiệm vụ ban đầu chỉ là khu cách ly F1, giờ đây đã trở thành nơi điều trị cho những F0 trên địa bàn.

"Hiện, tại đây có một bác sĩ thường trực, một nhân viên y tế, 4 TNV và 2 dân quân tự vệ. Trong ngày 14/8, chúng mình được bổ sung thêm 2 TNV nữa. Cũng trong ngày, tổng số F0 đang điều trị tại đây là 295 người", Hiệp chia sẻ.

TNV do de cho san phu anh 3

Đôi trẻ chờ ngày hết dịch để có thể cùng nhau đi chơi, hẹn hò.

Nhiệm vụ của Hiệp, Mi cũng như những TNV khác tại khu cách ly là phân phối các bữa ăn, theo dõi tình trạng sức khoẻ từng người bệnh, hỗ trợ bác sĩ cấp cứu F0, tiếp nhận bệnh nhân và nhiều công việc hậu cần khác.

Với khối lượng công việc nhiều, những TNV tại đây không giấu được sự mệt mỏi. Bản thân Hiệp và Mi nhiều lần đuối sức, gặp áp lực rất lớn. Mỗi lần như vậy, cả 2 cố gắng động viên lẫn nhau, nói những chuyện vui để giải tỏa căng thẳng.

"Mỗi sáng chúng mình dậy từ 5h, cùng nhau làm các nhiệm vụ. Đến đêm, khoảng 0h chúng mình mới xong việc. Tuy nhiên cũng có những ngày 2-3h cả nhóm mới hết nhiệm vụ, được đi nghỉ ngơi.

Những cô bác F0 trong khu cách ly đều dễ mến, nhưng đôi lúc mệt mỏi do căn bệnh, mọi người vẫn hơi khó chịu với tụi mình. Mi áp lực lắm, chúng mình phải khích lệ nhau rồi quay lại nhiệm vụ", Hiệp nói.

TNV do de cho san phu anh 4

Đôi bàn tay Hiệp ướt sũng mồ hôi khi làm việc dưới nắng nóng.

Ban đầu khi tham gia chống dịch, Hiệp và bạn gái không được ba mẹ ủng hộ vì lo lắng, sợ cả 2 chẳng may nhiễm bệnh.

Mi phải giấu gia đình đăng ký tình nguyện, còn Hiệp phải thuyết phục mẹ rất nhiều.

Sau một thời gian, thấy Hiệp và Mi biết bảo vệ tốt cho sức khỏe, gia đình mới có thể yên tâm hơn.

"Mình và Mi xác định đi chống dịch sẽ vất vả, nguy hiểm nhưng thật lòng chúng mình muốn được làm điều gì đó cho cộng đồng trong giai đoạn dịch bệnh này, không muốn lãng phí sức trẻ.

Biết gia đình lo lắng, cả 2 luôn chú ý mặc trang phục bảo hộ cẩn thận, áp dụng triệt để quy tắc 5K. Mỗi khi rảnh rỗi, chúng mình đều gọi điện kể chuyện để ba mẹ biết tình hình", Hiệp cho hay.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Bình Dương vẫn đang phức tạp, Hiệp và Mi do đó cũng chưa tính đến ngày trở về TP.HCM. Cả 2 dự định sẽ ở lại khu cách ly đến khi hết dịch, mong có được sức khoẻ tốt nhất để giúp đỡ nhiều hơn cho các y bác sĩ.

Bình Dương là địa phương đứng thứ hai cả nước về số ca mắc Covid-19, chỉ sau TP.HCM. Thời gian qua, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bình Dương đã quy hoạch, xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều khu điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, tính đến 16/8, toàn tỉnh ghi nhận 46.501 ca mắc Covid-19; 390 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đang điều trị là 21.936 ca (726 người có diễn biến nặng).

THỤC HẠNH