Vay vốn trăm bề đều khó
Tại cuộc họp kết nối giữa các cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) với các tổ chức tín dụng do Bộ NN-PTNT tổ chức trong tuần qua, nhiều đơn vị phản ánh rất khó vay vốn. Ông Đặng Vinh Hòa, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp số (Bình Phước), cho biết hiện nay các ngân hàng (NH) định giá đất nông nghiệp trên khung giá do UBND tỉnh cấp, không phù hợp với thực tế. Ví dụ, một số NH chính sách đang định giá đất nông nghiệp ở mức 30.000 - 50.000 đồng/m2. Với mức định giá thế này, nhiều nông dân và HTX không thể tiếp cận nguồn vốn vay của NH.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết chỉ có 25% doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn tài chính chính thống, còn lại là các nguồn khác như huy động từ người thân, vay, mượn tại các nguồn không chính thống. Trên thực tế, không chỉ các DN nhỏ mới gặp khó khăn khi muốn vay vốn tại NH mà các DN lớn cũng khó trăm bề.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho biết công ty đã tiếp cận nhiều NH về tín dụng nhưng đến giờ vẫn không được vay mới, không được thông báo có gia hạn hợp đồng vay trước đó hay không?... Nhiều NH không nói bị hết “room” tín dụng nhưng yêu cầu chờ Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm và phải có thêm tài sản thế chấp mới xem xét cho vay. Còn một số hợp đồng vay cũ được thông báo hạn mức vay của công ty những năm trước là 200 tỷ đồng thì nay bị giảm xuống còn 150 tỷ đồng. Nếu muốn vay nhiều hơn thì phải tăng thêm tài sản thế chấp.
Trong khi để chuẩn bị hoạt động của 2 quý còn lại trong năm nay với nhu cầu phục hồi thì DN này phải cần gia tăng vốn vay thêm vài trăm tỉ đồng cho cả mảng du lịch lẫn hàng không. Có NH đồng ý cho vay theo phương án kinh doanh nhưng dòng tiền thu về được đồng nào thì sẽ trừ luôn, điều này cũng quá khó cho DN. Bản thân các công ty ngành du lịch thường phải cần một lượng vốn để đặt sẵn các gói dịch vụ lớn trước, từ lưu trú đến vé máy bay, dịch vụ ăn uống… sau đó mới thu lại từ khách hàng. DN cũng cần có tiền để tiến hành ra thị trường nước ngoài xúc tiến, quảng bá du lịch… nhưng đều không thể vay được.
“Bản thân các NH có thể đang phòng thủ do các DN du lịch chỉ mới mở cửa từ giữa tháng 3 đến nay nên chưa có lãi, nhưng cũng có thể vì họ đã hết room tín dụng nên chỉ ưu tiên cho những đơn vị kinh doanh sẽ có dòng tiền thu về nhanh hơn. Nói chung dù gì đi nữa thì NH Nhà nước cũng phải xem xét, đánh giá lại những ngành nghề kinh tế tổng hợp, mũi nhọn và có tính lan tỏa rộng để đưa ra chính sách hỗ trợ tín dụng riêng. Bởi nếu xếp chung du lịch, hàng không vào nhóm các DN ưu tiên như nông nghiệp, sản xuất nhưng các NH vẫn giữ đúng quy định cho vay thì chúng tôi hầu như không thể vay được. NH có quyền lựa chọn cho vay với các DN khác hơn là du lịch. Điều này khiến DN du lịch vẫn khốn quẫn và khó có cơ hội hồi phục khi không thể tiếp cận được vốn”, ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cũng cho biết một số DN khó tiếp cận nguồn vốn trong giai đoạn hiện nay khi hạn mức tín dụng của NH hạn hẹp. Trong khi thông thường nhu cầu vốn từ quý 3 của DN sẽ tăng cao hơn đầu năm vì chuẩn bị nguồn hàng cho dịp tết, kế hoạch triển khai sản xuất kinh doanh năm mới... Hơn nữa, hiện nay bối cảnh giá nguyên vật liệu gia tăng, nhu cầu vay vốn của DN cũng tăng hơn trước để tích trữ hàng hóa. Chẳng hạn trước đây cần 100 tỉ đồng để nhập hàng thì nay giá nguyên liệu tăng 5%, các công ty sẽ phải cần thêm 5 tỉ đồng nữa mới đủ số lượng sản xuất. Thế nhưng hầu hết các NH đều dè dặt. Đó là chưa kể các DN vừa và nhỏ không có tài sản thế chấp hoặc có thì cũng đã thế chấp trước đó nên việc vay vốn không phải dễ.
“Trải qua 2 năm dịch Covid-19, số DN còn hoạt động hoặc có lãi không nhiều, họ cầm cự được cũng đã mừng nhưng một trong những tiêu chí cho vay của NH đó là lãi 2 năm liên tiếp khiến nhiều DN không đáp ứng được. Việc huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu trong giai đoạn này lại càng không thể dễ. Ngay cả gói hỗ trợ lãi suất 2% đã triển khai nhiều tháng nay mà DN cũng còn khó tiếp cận. Tất cả những rào cản kỹ thuật trên thể hiện rõ nét nếu hạn mức tín dụng của NH vẫn chưa được tháo”, ông Phạm Ngọc Hưng nhấn mạnh.
Hạn chế giải ngân vì hết “room”?
Theo thông lệ sau khi giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) cho các NH, sau 6 tháng NH Nhà nước sẽ họp, xem xét và có điều chỉnh chỉ tiêu này theo tình hình kinh tế. Trong tháng 6 vừa qua, tại cuộc họp của NH Nhà nước hầu hết các NH thương mại đều kiến nghị được nới room tín dụng để cung cấp vốn cho DN khi nhu cầu tăng cao, hỗ trợ hồi phục và phát triển kinh tế chung của cả nước. Thế nhưng đến nay đã hết tháng 7 mà NH Nhà nước vẫn chưa có động thái nào liên quan khiến các DN nóng lòng khi nhiều nhà băng đã đụng trần “room”. Chính vì vậy, với nhiều khách hàng thì câu trả lời quen thuộc từ NH sẽ là chờ được nới “room”.
Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần chứng khoán SSI, trong những năm qua, NH Nhà nước đã nới hạn mức tín dụng cho các NH trong nước mỗi năm 2 lần, mỗi lần bình quân vào khoảng 2 - 3%. Theo như hạn mức ban đầu được NH Nhà nước cấp đầu năm nay đối với các NH thương mại, tăng trưởng tín dụng được tính ở mức 11,1%. Con số này thấp hơn 3% so với con số tăng trưởng tín dụng mục tiêu là 14% của NH Nhà nước cho cả năm 2022.
Để kiểm soát lạm phát, NH Nhà nước có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các NH phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Điều này vẫn có nghĩa là tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ chậm hơn so với mức tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận xét việc chậm cấp hạn mức tín dụng sẽ tác động đến việc tiếp cận vốn của các DN để chuẩn bị sản xuất cho thời điểm cuối năm. Có thể hiểu NH Nhà nước kiểm soát tín dụng là để kìm lạm phát nhưng sau thời điểm dịch Covid-19, nhu cầu vốn tăng trưởng của nền kinh tế rất cao. Các DN hiện phụ thuộc vào nguồn tín dụng NH khi việc phát hành trái phiếu trở nên khó khăn hơn.
Câu chuyện 6 tháng cuối năm 2022 của VN không phải lạm phát mà quan trọng hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. DN không thể hoạt động sản xuất kinh doanh khi không có vốn. Hơn nữa, bức tranh nợ xấu sẽ phản ánh rõ nét hơn vào những tháng cuối năm khi một số DN gặp khó khăn dưới sự tác động của chuỗi cung ứng đứt vừa qua. Từ đó cũng tác động DN không chỉ đến NH mà cả những đơn vị khác. Đó là chưa kể sức khỏe của các DN bất động sản - vốn là một ngành có tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác - cũng đã bị siết chặt khiến đang suy yếu nhiều, kéo theo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại.
Thanh Xuân - Mai Phương