Doanh nghiệp bất động sản mạnh tay giảm giá, chiết khấu

Thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh lân cận đang bước vào giai đoạn cực kỳ thách thức vì các yếu tố pháp lý bế tắc, thắt chặt tín dụng... vẫn chưa được "cởi trói" hoàn toàn.

Hệ lụy, sức cầu chung của thị trường giảm mạnh, lượng giao dịch phát sinh khiêm tốn, xu hướng giảm kéo dài từ thời điểm giữa năm 2022 và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Ông N.V. (giám đốc một tập đoàn bất động sản tại TP.HCM) cho biết nhiều tháng qua, đơn vị chỉ bán thành công 3 nền đất dù đã cố gắng giảm giá bán. Chi phí thu vào không đáng kể so với các khoản lãi vay ngân hàng và chi phí duy trì hoạt động của công ty.

"Chưa bao giờ thị trường khó khăn như hiện nay. Trước đó, giới chuyên gia đánh giá từ đầu 2023 thị trường sẽ có chuyển biến... Tuy nhiên, nay đã là thời điểm giữa năm nhưng thị trường vẫn đóng băng giao dịch. Nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng chần chừ, không dám xuống tiền mua bất động sản", vị này cho hay.

TP.HCM: Doanh nghiệp bất động sản mạnh tay, giảm giá cả tỷ đồng nhưng vẫn khó tìm được khách - Ảnh 1.

Giao dịch, mua bán bất động sản TP.HCM và vùng lân cận giảm kỷ lục. Ảnh: Gia Linh

Theo ghi nhận của Dân Việt, dù đã gần hết quý 2/2023, nhưng hiện nay, trên thị trường bất động sản tại TP.HCM hay các vùng phụ cận, chủ đầu tư đều không chào bán nhiều sản phẩm mới.

Hiện nay, các sàn giao dịch, đơn vị phát triển dự án vẫn chỉ đang chạy giỏ hàng của các sản phẩm đã chào bán ở cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Bên cạnh đó, những sản phẩm đã phát triển trong vòng 1 hoặc 2 năm trước đây hiện vẫn còn hàng chưa ra, hoặc các nhà đầu tư thứ cấp đang tìm nhà đầu tư.

Chia sẻ với Dân Việt, anh Hồng Quang (nhân viên công ty Cổ phần Uniland) thông tin, từ đầu quý 2/2023, công ty của anh cũng chào bán nhiều sản phẩm là đất nền, tổ chức các chương trình sự kiện lớn, tặng quà, chiết khấu từ 5-10%, thậm chí có thể chiết khấu cao hơn cho những khách hàng mua nhiều nền. Mặc dù có nhiều ưu đãi, nhưng việc tìm kiếm khách hàng hiện nay rất khó.

Theo tìm hiểu, một số dự án hiện nay trên địa bàn TP.HCM như dự án Moonlight Avenue (TP.Thủ Đức) được nhiều nhân viên tiếp thị bất động sản chào bán với thông tin giảm giá chiết khấu. Theo đó, nếu khách hàng mua có thể được chiết khấu từ 10-20% (tặng voucher) hoặc nếu đóng vượt tiến độ từ 80% trở lên có thể hưởng chiết khấu tới 40% giá bán.

bds-1686977839.png
Nhiều chủ đầu tư mạnh tay giảm giá, tìm khách. Ảnh: Gia Linh

Hay một số dự án khách như New Galaxy, Bcons City, MT Eastmark City, Bcons Polaris Dĩ An Bình Dương... từ các chủ đầu tư, hay sàn bất động sản cũng đang chủ động giảm giá, giảm chiết khấu để bán cho khách.

Ông Phạm Quang Huy (Phó Tổng Giám đốc công ty bất động sản ở phường An Bình, TP.Dĩ An, Bình Dương) cho biết: "Trước đây, khi các chủ đầu tư ra dự án, nhiều sàn giao dịch hoặc các sales đầu tư vốn ôm các giỏ hàng, những sản phẩm có vị trí đẹp hoặc giá hợp lý để giao dịch.

Đến nay, khi thị trường khó nhưng người này sẽ mang sản phẩm của mình đang có ra bán với giá thấp, giá giảm để thu hút người mua. Những sản phẩm tồn kho, hoặc của các nhà đầu tư gửi cũng được chào bán. Tuy nhiên, vẫn rất ít người dám xuống tiền vào thời điểm trên".

Bất động sản khó khởi sắc trong ngắn hạn

Các chuyên gia đánh giá, trước tình hình khó khăn của thị trường, để bán được hàng, doanh nghiệp đang có xu hướng đẩy mạnh mức chiết khấu thanh toán để chiều lòng khách hàng. Một số dự án có mức chiết khấu "khủng", mục đích sớm đẩy được hàng hoặc sức khoẻ tài chính của công ty đang trong tình trạng cạn dòng tiền.

Bên cạnh việc mạnh tay chiết khấu cho phương thức thanh toán nhanh, các chủ đầu tư còn có xu hướng kéo giãn lịch thanh toán nhằm kích cầu thị trường giữa bối cảnh khó khăn chung.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư, khách hàng trong giai đoạn này rất thận trọng. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, áp lực tài chính đè nặng lên người mua nên khách hàng thường có tâm thế ngồi chờ diễn biến thị trường chứ chưa vội xuống tiền.

Chị Hạnh (nhân viên kinh doanh, quận Phú Nhuận) cho biết thời gian qua, nhiều môi giới chào mời chị một số sản phẩm bất động sản giảm giá nhưng chị không dám mua. Nguyên nhân lớn nhất là vì không đủ tài chính. Tiếp theo đó là vì vấn đề thị trường đang tồn đọng nhiều rủi ro nên chị không dám xuống tiền.

bat-dong-san-duoc-du-bao-se-nhieu-kho-khan-1686977901.png
Bất động sản được dự báo sẽ nhiều khó khăn. Ảnh: Gia Linh

Ông Phạm Lâm - CEO DKRA Group - dự báo thị trường bất động sản sẽ khó có chuyển biến tích cực nếu như các khó khăn về lãi suất, vướng mắc pháp lý, áp lực đáo hạn trái phiếu chưa được tháo gỡ triệt để...

"Các tháng đầu năm 2023, người mua chưa quay lại thị trường mạnh mẽ. Yếu tố quan trọng là tín dụng bất động sản, dù có chỉ đạo rất quyết liệt về giảm lãi suất nhưng các lãnh đạo ngân hàng cho biết cũng chưa thể giảm ngay lãi suất cho vay, dẫn đến người mua bất động sản vẫn ít", CEO DKRA Group cho hay.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá dù có nhiều ưu đãi nhưng thanh khoản trên thị trường vẫn còn chậm. Đây là nghịch lý đang diễn ra trong thị trường nhiều tháng qua.

Các doanh nghiệp cố gắng tung ra nhiều ưu đãi nhưng để bán được hàng không hề đơn giản. Chỉ những dự án được đầu tư bởi các doanh nghiệp uy tín, có pháp lý rõ ràng và chính sách bán hàng hợp lý mới vẫn bán được hàng.

Có doanh nghiệp giảm đến 1 tỷ đồng/nền

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), lượng giao dịch - mua bán đa số các phân khúc đều đang sụt giảm trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư phải ra sức chiết khấu, thậm chí giảm giá bán "siêu khủng" để cố gắng thu hút khách hàng.

Theo đó, tại phân khúc đất nền, sức cầu chung của thị trường giảm mạnh, lượng giao dịch phát sinh đặc biệt khiêm tốn, xu hướng giảm kéo dài từ thời điểm giữa năm 2022 và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.

Dẫn chứng của VARS cho thấy, trong quý 1/2023, toàn thị trường ghi nhận có khoảng 16 dự án mở bán. Cung cấp ra thị trường khoảng 1.078 nền, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặt bằng giá thứ cấp giảm 10-23% so với thời điểm cuối năm 2022, mức giảm phổ biến 100-690 triệu đồng/nền. Đáng chú ý, có doanh nghiệp giảm đến 1 tỷ đồng/nền để ra sức tìm khách nhưng vẫn khó khăn.

Sức cầu thị trường phân khúc này giảm mạnh. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới chỉ đạt 3% tương đương hơn 100 căn, bằng 25% so với so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức thấp nhất trong thập kỷ qua.

Thanh khoản thị trường thứ cấp giảm mạnh, mặt bằng giá ghi nhận giảm 3%-7% so với cuối năm 2022. Đáng chú ý, khu vực giáp ranh TP.HCM cá biệt có dự án ghi nhận mức giảm cao nhất lên đến 32%. Trong khi đó, phân khúc căn hộ thị trường TP.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận 8 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 4.070 căn.