Cỗ cưới ở Phúc Lâm thường rất đông vì có sự tham dự của người dân cả làng
Từ bao đời nay, ở làng Phúc Lâm, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vẫn giữ tục lệ, chỉ cần trong làng có đám cưới, gia chủ báo cáo với họ hàng về thời gian tổ chức là không cần thiếp mời, dân làng sẽ người nọ báo người kia, nô nức đến ăn cỗ. Đi ăn cỗ cưới ở Phúc Lâm, có quà mừng cho đôi tân lang tân nương thì quý, không có quà cũng vẫn vui.
Việc vui của cả làng
Chiều 12/5, gặp PV Báo Giao thông trên con đường xóm 4 của làng Phúc Lâm, bà Nguyễn Thị Ơn (73 tuổi, ở làng Phúc Lâm) vui vẻ cho biết, tuần sau, làng sẽ có một đám cưới cháu gái.
“Cháu gái này có họ với nhà tôi, nhưng kể cả không có họ, thì người dân làng ở đây cũng đều đến dự. Bởi ở nơi này, đã thành lệ rồi, cứ có đám cưới là dân làng thông tin cho nhau đến chung vui”, bà Ơn nói.
Có mặt tại khu vực Đình Trung của làng Phúc Lâm, cụ Nguyễn Thị Việt (88 tuổi, ở xóm 4, làng Phúc Lâm) chia sẻ, cũng chẳng biết tục lệ của làng có từ bao giờ, từ xưa đến nay cứ có đám cưới là người làng đến ăn cỗ và mừng gia chủ. “Người có thì mừng nhiều, người không có thì mừng ít, người nào nghèo khó không mừng cũng không sao. Người cao tuổi như chúng tôi đến ăn cỗ, gia chủ không lấy tiền mừng mà còn cho lộc mang về”, cụ Việt cho hay.
Theo cụ Việt, thông lệ mỗi khi có đám cưới ở nhà nào thì chủ nhà sẽ họp bàn, báo cáo trong gia đình họ hàng nội tộc. Lúc đó, chỉ cần nói “cưới mở” hay “cưới mở bung” thì người này truyền tai người kia, cả làng đến ăn cỗ chung vui với gia chủ. Gia chủ không phải mất chi phí in, viết thiếp mời và công sức đến từng nhà mời cưới như ở những nơi khác.
Nhiều đời nay, làng Phúc Lâm vẫn giữ tập tục đám cưới không cần mời, cả làng vẫn tới ăn cỗ
Xác nhận tục lệ này, bà Đàm Thị Xoan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Lâm cho hay, “cưới mở” có điểm tiện lợi hơn các nơi khác ở chỗ cưới hỏi không phải in thiếp, đi mời. “Chứ các nơi khác, mỗi khi có đám cưới, nguyên việc đi mời khách cũng mất nhiều ngày, có nơi còn mang cau, trầu đi mời từng nhà, có khi đến nhà họ đi vắng lại phải đi lại đến 2-3 lần mới gặp được chủ nhà”, bà Xoan cho hay.
Bà Ơn cho biết thêm, phong tục tập quán về “cưới mở bung” vẫn theo truyền thống từ ngày xưa, nhưng thời điểm tổ chức đám cưới những năm gần đây đã có nhiều thay đổi. Như trước kia, cỗ cưới được mở ăn từ 3-4h sáng, xong đến 5-6h là cơ bản hết khách, xong đám cỗ, dân làng, bà con tỏa ra đồng làm việc. Đến chiều, là lễ đón rước dâu. Nhưng giờ đây cỗ cưới đã tổ chức muộn hơn, đến 8-9h sáng và cũng có những đám cưới, xin phá lệ được ăn bữa chiều nếu chàng trai/cô gái chọn giờ rước dâu vào sáng sớm mai cho “được tuổi”.
“Chắc do nơi này làng nông, người dân vất vả một nắng hai sương đã quen, bỏ một buổi làm cũng tiếc, nên cứ ăn cỗ cưới từ tờ mờ sáng để trời sáng hẳn là lại đi làm bình thường, không ai phải bỏ công bỏ việc vì đám cưới”, bà Sắn (69 tuổi ở xóm 4, làng Phúc Lâm) nhớ lại.
“Cưới mở” và những chuyện “dở khóc dở cười”
Cụ Xưa, người trông coi đình làng Phúc Lâm có một cuốn sổ dày ghi chép các đám cưới của làng để báo cáo Thành hoàng
Độc đáo là thế nhưng chuyện “cưới mở” cũng khiến người dân nơi đây gặp phải rất nhiều chuyện bi hài, “dở khóc, dở cười”. Bởi lẽ, cái khó cho gia đình chủ trong tục lệ này chính là không biết có bao nhiêu khách tham dự để ước lượng chuẩn bị cỗ bàn.
Bà Ơn cho hay, hầu như đám “cưới mở” kiểu này, rất khó tính toán đúng số cỗ cần làm. Gia chủ cứ làm cứ bày cỗ ra, ai đến thì ăn, nên gia đình nào cũng thiếu cỗ cả, nhà ít thì thiếu dăm mâm, nhà nhiều thậm chí thiếu chục mâm, nhưng cũng có trường hợp, cỗ ế dăm mâm, chục mâm. Thông thường, gia chủ sẽ tính toán sẵn lượng lương thực, thực phẩm để nếu lượng khách gia tăng thì bổ sung kịp thời. Nhưng có những lúc, khách tới không có cỗ đành phải ngồi uống nước chờ, nhiều người ngồi chờ lâu quá thì tìm cách xin phép về trước.
“Trong tình huống “dở khóc, dở cười” đó, gia chủ chỉ có cách phải lựa lời nói khéo để khách thông cảm. Tôi vẫn nhớ trước thời gian cách ly xã hội, có một hộ gia đình trong làng tổ chức cưới con làm hơn 100 mâm cỗ mà vẫn thiếu”, bà Ơn nói.
Bà Đàm Thị Xoan chia sẻ thêm, có những đám cưới, dân làng đến ăn đông quá, không chỉ cỗ thiếu mà bát đũa cũng không đủ. “Những lúc ấy, người dân lại ngồi thêm người vào mâm cho đủ cỗ, về nhà lấy thêm bát đũa đến cho gia chủ mượn. Không ai quá cầu kỳ cỗ cưới thì gia chủ phải phục vụ hết mọi nhẽ đâu”, bà Xoan cho hay.
Cụ Đàm Trọng Xưa (78 tuổi, ở xóm 4, làng Phúc Lâm) cũng là người đang trông nom Đình Trung nói, việc tổ chức đám cưới hỏi ở Phúc Lâm thường theo thông lệ: Nhà nào chuẩn bị cưới con, cần chuẩn bị 3 lít rượu, 1kg lạc và có một ít bánh kẹo, mời nội bộ trong gia đình họp để thống nhất hình thức cưới mở hay làm nội bộ. Nếu làm mở, thì dân làng sẽ loan tin để tất cả cùng đến ăn. Trong trường hợp nhà có gia cảnh khó khăn hoặc có đám hiếu chưa hết thời gian chịu tang thì có thông báo tổ chức nội bộ, sẽ chỉ có những người thân thiết họ hàng trong gia đình đến ăn cưới.
“Người dân nơi đây sống ân tình, dân làng coi nhau như người thân nên việc của nhà hàng xóm cũng như việc nhà mình, có đám cưới thì dân làng sẽ đến từ hôm trước giúp dựng rạp, chuẩn bị thực phẩm, nấu cỗ. Cỗ ở đây cũng bình dị, không có sơn hào hải vị gì, cũng chỉ là lợn trong chuồng, gà ngoài vườn, cá dưới ao... nên dự cỗ cưới cũng là thêm lúc dân làng ngồi bên nhau hàn huyên”, cụ Xưa nói.
Theo ông Dương Văn Thọ, nguyên cán bộ văn hóa xã Phúc Lâm, làng Phúc Lâm nay đã được thay đổi, năm 2005 làng Phúc Lâm được chia thành 3 thôn: Phúc Lâm Trung, Phúc Lâm Thượng và Phúc Lâm Hạ với khoảng 6.000 nhân khẩu. “Tục lệ đi ăn cưới không cần mời của người dân nơi đây là một nét đẹp văn hóa, cần được gìn giữ. Phong tục đó hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc về tình làng, nghĩa xóm về cách đối nhân xử thế giữa con người với con người”, ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, hiện người dân Phúc Lâm vẫn giữ phong tục ăn cưới không mời, nhưng nếp “ăn cưới từ nửa đêm đến sáng” đã có nhiều thay đổi. Người dân trong làng Phúc Lâm đi làm ăn bên ngoài ngày càng nhiều nên vài năm trở lại đây, dân làng tổ chức ăn cưới vào buổi chiều nhiều hơn, nếu có ăn cỗ vào buổi sáng cũng ăn từ tầm 6h trở đi chứ không quá sớm như trước.
Link nguồn: https://www.baogiaothong.vn/o-noi-mot-nha-cuoi-ca-lang-an-co-d465258.html