Tấp nập dịch vụ đổi tiền lẻ “chợ mạng”

Nhằm tránh gây lãng phí trong việc lưu thông tiền lẻ trong dịp Tết Nguyên đán, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có tuyên bố sẽ siết chặt quản lý việc đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ trong dịp Tết Tân Sửu 2021.

Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tết năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt chuyện đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ như những năm trước.

Như vậy, đây là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng để phục vụ nền kinh tế. Chính điều này đã làm cho dịch vụ đổi tiền lẻ dịp Tết Nguyên đán ngày càng nở rộ, đặc biệt trên môi trường số, online.

Khảo sát trên chợ mạng, việc đổi tiền lẻ trên hệ thống này vẫn luôn được công khai. Không những thế, các “thượng đế” chỉ cần ngồi nhà, bấm điện thoại giao dịch, việc còn lại sẽ có nhân viên đến tận nơi đổi trả, phục vụ tận tình.

Tiêu dùng & Dư luận - Dịch vụ đổi tiền lẻ gần Tết Nguyên đán 2021 sôi động bất chấp lệnh cấm

Dịch vụ đổi tiền lẻ nở rộ vào những ngày gần Tết Nguyên đán.

Trên mạng xã hội Facebook, hoạt động này lại càng sôi động hơn với đủ mọi phương thức. Chỉ cần một cú nhấp chuột và đánh từ khóa “đổi tiền lì xì”, ngay lập tức hiện lên hàng trăm trang đổi tiền lẻ, với các tên như: “Đổi tiền mới nguyên series”, “Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới”, “Đổi tiền lì xì Tết phí chỉ 3%”, “Đổi tiền mới, tiền lẻ, tiền lì xì”…Các dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới với đủ các mệnh giá như 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng. Người rao bán còn cam kết 100% là tiền mới, nguyên kiện, nguyên seri.

Trong vai một người cần đổi tiền lẻ, khi liên hệ vào số điện thoại 0372515xxx, PV được một người đổi tiền tư vấn nhiệt tình. Theo đó, việc đổi tiền lẻ, mệnh giá càng thấp sẽ có mức phí cao hơn. Cụ thể, mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, mức phí sẽ dao động từ 13-15%; mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, mức phí là 7 - 8%; mệnh giá 50.000 đồng thì chịu phí 3-5%.

Khi PV nói rằng mức phí này cao quá, người này đáp: “Thời điểm này đổi mức giá đó còn rẻ, đến cận Tết, phí sẽ cao hơn. Cần tiền để đi lễ chùa, lì xì thì nên đổi sớm”. Lý do được người này đưa ra là vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ mới, mệnh giá thấp trong dịp Tết Nguyên đán nên nguồn tiền lẻ khá khan hiếm, nên phí đổi cũng cao.

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, do dịch Covid-19 nên năm nay tiền lẻ chị đổi cũng không nhiều, chỉ đổi ít tiền lẻ đi chùa đầu năm. Dù phải chịu chi phí chênh lệch, nhưng chị Mai cho rằng, Tết mà không có tiền lẻ mừng tuổi cho con, cháu thì không được. “Ngân hàng siết quy định không cho đổi tiền lẻ, mà bản thân mình cần nên phải đổi trên mạng. Dịch vụ đổi tiền lẻ khá nhanh, thậm chí họ còn giao hàng tận nơi”, chị Mai nói.

“Ăn” chi phí chênh lệch, có vi phạm luật?

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, pháp luật hiện hành quy định, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch là hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm.

Theo luật sư Ứng, Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng.

Cụ thể, điểm a, khoản 5, điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 lần.

“Hiểu theo quy định này thì bất cứ hoạt động nào đổi tiền không đúng quy định đều bị xử phạt và người đổi tiền cũng sẽ bị phạt tiền”, luật sư Ứng cho hay.

Tiêu dùng & Dư luận - Dịch vụ đổi tiền lẻ gần Tết Nguyên đán 2021 sôi động bất chấp lệnh cấm (Hình 2).

Luật sư Bùi Đình Ứng cho biết, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch là hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm.

Nghị định 96 cũng nêu rõ, thẩm quyền xử phạt với hành vi đổi tiền trái pháp luật được quy định gồm những cá nhân, tổ chức sau: Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cục trưởng cục thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh thanh tra giám sát ngân hàng, Trưởng đoàn thanh tra do giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định...

Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật.

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dich-vu-doi-tien-le-gan-tet-nguyen-dan-2021-soi-dong-bat-chap-lenh-cam-a502298.html