Do nhu cầu xét nghiệm Covid-19 ở các cơ sở y tế tăng cao trong mùa dịch đã kéo theo giá test nhanh Covid-19 có sự chênh lệch giữa các cơ sở y tế.

Hoa mắt với giá test nhanh

Đầu tháng 9-2021, chị Phạm Ngọc Y. đưa chồng đi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện (BV) Xây dựng (TP Hà Nội). Theo chị Y., trong quá trình điều trị tại đây, theo yêu cầu của BV, cứ 3 ngày chị lại phải test nhanh Covid-19 một lần. Chi phí cho mỗi lần test nhanh là 280.000 đồng.

Chồng nằm viện hơn 1 tuần, chị Y. xét nghiệm 3 lần, hết gần 1 triệu đồng. "Theo quy định, phải làm xét nghiệm mới được chăm sóc bệnh nhân. Người bệnh được BHYT chi trả đã đành, người nhà đi theo thì phải trả 100% phí xét nghiệm. Người nghèo đi viện đúng là khổ thật" - chị Y. than thở.

Trong khi đó, tại một số cơ sở y tế công lập ở TP Hà Nội thực hiện xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân cần người nhà đi cùng sẽ phải test nhanh Covid-19 với giá 100.000 đồng/lần nếu như không có chứng nhận đã tiêm vắc-xin Covid-19. Qua khảo sát của phóng viên, giá test nhanh Covid-19 ở các cơ sở y tế cả tư và công có nhiều mức khác nhau. Trong đó, tại các BV công lập, mức phổ biến là 238.000 đồng/lần xét nghiệm nhanh. Đây là mức giá tối đa được Bộ Y tế quy định tại các cơ sở y tế và giá BHYT chi trả. Còn tại các phòng khám và BV tư, giá dịch vụ y tế dao động ở nhiều mức khác nhau, từ 180.000 - 390.000 đồng/lượt.

Trong thời gian này, kit test nhanh Covid-19 được bán khá phổ biến trên thị trường với giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kit. Thế nhưng, các cơ quan chức năng cảnh báo rất khó kiểm soát chất lượng các loại kit test này nên người dùng cũng e ngại. Khi có nhu cầu, người dân phải đến các cơ sở y tế để xét nghiệm. Vào giữa tháng 8-2021, chị Nguyễn Xuân Nhiên (ngụ quận 4, TP HCM) bị ho, sốt, đau cổ nên đến trạm y tế phường xét nghiệm nhanh. Nơi này tính tổng cộng là 320.000 đồng, gồm giá kit test 238.000 đồng và phí dịch vụ 82.000 đồng.

Dẹp loạn giá xét nghiệm Covid-19 - Ảnh 1.

Chi phí xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhiều cơ sở y tế còn cao, trong khi giá kit test nhanh ngày càng giảm.Ảnh: HIẾU NGHI

 

Phải thanh toán 100%

Nói về giá test nhanh Covid-19 có sự khác biệt giữa các cơ sở y tế, lãnh đạo một BV cho biết đó là do từ ngày 1-7, theo quy định của Bộ Y tế, chi phí xét nghiệm nhanh Covid-19 sẽ được tính "thực thanh thực chi", tức là bao gồm giá của các bộ kit, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm...

Cụ thể, ngày 7-7, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn mới nhất về mức giá thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 từ ngày 1-7. Theo hướng dẫn mức giá xét nghiệm nhanh trước ngày 1-7, với đối tượng tham gia BHYT là 238.000 đồng, đối tượng không thanh toán BHYT thực hiện theo mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt tối đa là 238.000 đồng. Còn từ sau ngày 1-7, giá thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 sẽ được tính "thực thanh thực chi".

Lý giải về chi phí cấu thành giá xét nghiệm Covid-19, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, cho biết giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 được cấu thành từ kit xét nghiệm, chi phí lấy mẫu, vận chuyển và tiền lương của kỹ thuật viên. Đại diện Bộ Y tế cũng thông tin dịch vụ xét nghiệm này nằm trong giá xét nghiệm virus, vi nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng bằng test nhanh được quy định tại Thông tư 13 và 14-2019.

"Từ ngày 1-7-2021 đã thực hiện thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm Covid-19 nhanh theo nguyên tắc thực thanh thực chi. Cụ thể, chi phí về nhân công, lấy mẫu, các chi phí điện, nước Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị quyết toán theo nguồn kinh phí phòng chống dịch được chi và nguồn thu của cơ sở y tế, không thu của người dân, người bệnh mà thanh toán BHYT. Chỉ thu tiền kit test nhanh mà cơ sở y tế mua vào theo kết quả đấu thầu" - ông Liên nói.

Với quy định này, chi phí xét nghiệm được thanh toán với từng đối tượng người bệnh theo số lượng kit test nhanh thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua kit test theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. "Người có BHYT sẽ được thanh toán theo mức được hưởng (đồng chi trả 20%, 5%, 0%) giá xét nghiệm "thực thanh thực chi"; còn người không có BHYT, người nhà bệnh nhân được yêu cầu xét nghiệm phải thanh toán 100%" - đại diện Bộ Y tế giải thích. 

Giá đang giảm dần

Theo Bộ Y tế, hiện nay, giá xét nghiệm đang có xu hướng giảm dần. Một trong những nguyên nhân là do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới giảm, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, nhập khẩu; đơn vị trong nước sản xuất được và bán phi lợi nhuận.

Thời gian qua có hiện tượng một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng các quy định về mức giá và chi trả xét nghiệm Covid-19, một số cơ sở y tế còn thu chưa đúng mức giá theo hướng dẫn, quy định giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 quá cao, gây bức xúc cho nhân dân và trong dư luận xã hội. Bộ Y tế yêu cầu thực hiện thu và thanh toán chi phí xét nghiệm đối với từng đối tượng theo quy định của pháp luật về giá và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Bộ Y tế khẳng định mặt hàng xét nghiệm SARS-CoV-2 chưa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá theo quy định của Chính phủ, tức doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm về giá, về chất lượng. Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn mức giá lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Công bố danh sách sinh phẩm xét nghiệm

Ngày 2-10, tại văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác xét nghiệm SARS-CoV-2, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các địa phương công bố trên website của sở y tế, các phương tiện thông tin đại chúng danh sách sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu tại Việt Nam. Văn bản này cũng quy định công bố danh sách các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế có cung cấp các sinh phẩm này trên địa bàn để cơ quan, đơn vị và người dân dễ tiếp cận, sử dụng hiệu quả.

.PHẠM LÊ HOÀNG HÀ, Chủ DNTN Hoàng Hà (quận 4, TP HCM):

Chi phí xét nghiệm quá cao

Dù Bộ Y tế đã có những văn bản hướng dẫn, giải thích cụ thể về giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 nhưng chúng tôi thấy vẫn chưa thỏa mãn. Nguyên do là giá xét nghiệm tại các cơ sở y tế còn quá cao, lên đến hơn 300.000 đồng/lần.

Doanh nghiệp của tôi kinh doanh thực phẩm, sử dụng 20 lao động gồm nấu ăn, giao hàng, kế toán tại chỗ... Trong thời gian qua, các nhân viên phải liên tục xét nghiệm để bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp và cả khách hàng. Chi phí này rất lớn trong lúc tình hình kinh doanh khó khăn, cả thời gian dài phải tạm đóng cửa tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Chúng tôi có thể tự mua kit test về xét nghiệm với giá rẻ hơn nhiều nhưng không được hướng dẫn từ các cơ quan chức năng. Ðây là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi.

. NGUYỄN HỒNG HẠNH, Chủ nhà thuốc tây Hồng Hạnh (quận 11, TP HCM):

Minh bạch giá kit test

Ðến bây giờ thì ai cũng thấy sự bất hợp lý của việc giá kit test cao ngất ngưởng trong thời gian qua. Giá nhập khẩu phổ biến các loại kit của Hàn Quốc về tới Việt Nam khoảng 60.000-70.000 đồng/kit. Dù tính toán cách gì đi nữa thì không thể nào đến tay người tiêu dùng lại cao gấp 3 lần. Các doanh nghiệp kiếm lãi quá cao với mặt hàng này, trong khi chúng ta đang trải qua vô vàn khó khăn vì dịch bệnh.

Cơ quan chức năng về y tế cho rằng doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm khi công bố giá và tham gia đấu thầu ở các địa phương là không thỏa đáng. Trong hoàn cảnh đặc biệt như hiện nay, giá những thiết bị, vật tư y tế cấp thiết cần có sự kiểm soát chặt chẽ, giám sát liên tục từ cơ quan chức năng mới ngăn ngừa được sự móc nối, đầu cơ từ những doanh nghiệp có lợi thế. Nói cho cùng, giá cả các thiết bị, vật tư này đều đánh vào túi tiền của người dân.

H.Nghi ghi

 

Ngọc Dung