Theo HoREA, Luật Nhà ở 2014, tại Điều 46, đã cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín.
Quy định này đã dẫn đến tình trạng phát triển loại nhà chung cư mini, chung cư hộp diêm trong 10 năm qua, làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị.
Việc xin phép xây nhà ở riêng lẻ rồi biến tướng thành chung cư mini, chung cư hộp diêm nhiều tầng tràn lan ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Điều này đã và đang phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, không bảo đảm an toàn PCCC, không đủ điều kiện cấp sổ đỏ, dễ dẫn tới phát sinh tranh chấp, ảnh hưởng an ninh, trật tự xã hội.
Theo đó, HoREA cho rằng cần sửa đổi Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014, thành Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở.
Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai phòng ở (trước đó quy định căn hộ) trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi phòng ở theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng thì chủ sở hữu được kinh doanh cho thuê nhà ở theo quy định của pháp luật.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, tình trạng nhà riêng xây dựng trái phép, chia nhỏ thành các căn hộ mượn danh chung cư mini rao bán đang xảy ra trên khắp cả nước.
Ghi nhận của website mua bán bất động sản Batdongsan.com.vn, ngay thời điểm dịch bệnh được kiểm soát hồi giữa năm 2020, loại hình căn hộ có diện tích nhỏ dưới 45m2 đã ghi nhận mức tìm kiếm tăng lên tới 200% trên website này. Lượt tìm kiếm của loại hình này tăng phản ánh xu hướng ngày càng có nhiều người trẻ, gia đình trẻ có nhu cần sở hữu căn hộ nhỏ, vừa túi tiền hơn.
Tuy nhiên, đây là loại hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về pháp lý và cả an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy. Theo đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các tỉnh thành đề nghị kiểm tra, xử lý các trường hợp sai phạm. Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương phối hợp cùng ngành chức năng phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật, tăng cường công tác, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Song, ghi nhận thực tế tại Hà Nội mới đây, tình trạng xây dựng, mua bán "chung cư mini" trá hình đang dần nở rộ trở lại. Chỉ với các từ khóa "chung cư mini" đính kèm với tên quận sẽ xuất hiện hàng loạt thông tin chào bán loại hình này, ở khắp các quận thành. Đáng chú ý, giá bán căn hộ này không hề rẻ, với diện tích căn hộ từ 30m2, có giá từ 600 triệu đồng, tức khoảng 20 triệu đồng/m2, tương đương với giá căn hộ chung cư bình dân ngoại thành.
Liên hệ với một số người tự xưng "chủ đầu tư' rao bán căn hộ tại phố Yên Lãng, người này cho biết người mua sẽ được đứng tên chung sổ đỏ, căn hộ chỉ có thể ở, không thể thế chấp.
Theo các chuyên gia bất động sản, thực trạng nhà ở riêng lẻ biến thành chung cư mini “trá hình” rộ lên như một "phong trào" mà nguy cơ mất an toàn luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bài học nhãn tiền chính là vụ cháy mới đây tại TP HCM, khi một chung cư mini ở quận 7 đã xảy ra hỏa hoạn từ tầng 3 chung cư rồi nhanh chóng lan rộng lên các tầng, nhưng không hề có lối thoát hiểm khiến người sống trong chung cư mini này phải chạy lên tầng trên cùng, còn lực lượng tại chỗ phải bất lực. May mắn, sau đó lực lượng PCCC đã thành công cứu người dân ra khỏi đám cháy, tuy nhiên, bài học nhãn tiền cho chung cư mini vẫn còn đó.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, dù đã có nhiều cảnh báo, cùng với đó, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng kiểm soát tình trạng xây dựng chung cư mini. Song, công tác quản lý xây dựng ở các địa phương dường như vẫn còn lỏng lẻo và có phần “nơi lỏng” cho các chung cư mini tự phát.
Theo Diệu Hoa