de-thi-truong-1670285358.jpg
Ảnh: minh họa

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm trong bài viết "Hạ giá bất động sản" của tác giả Huỳnh Thế Du. Những nhận định theo kiểu "doanh nghiệp bất động sản phải giảm giá"; "doanh nghiệp bất động sản không chịu nghe lời, không chịu giảm giá, sẽ chết"... là những đánh giá rất phiến diện và phi thị trường. Giá bất động sản cũng giống như bất cứ loại hàng hóa nào khác, phải dựa trên quy luật cung - cầu.

Muốn xác định giá trị thực tế của bất động sản, cần phải đặt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại. Và vai trò của cơ quan nhà nước các cấp ở đây là phải quản lý sự vận hành, chứ không đơn giản chỉ là nhận định một cách vội vàng theo kiểu "thị trường nhà đất đã và đang tăng nóng nên cần một thời gian để trầm lắng lại".

Hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung kêu gọi doanh nghiệp hạ giá bất động sản, hay áp dụng những chính sách nhằm ngăn giá đất tăng, khiến dòng tiền chảy về bất động sản giảm, siết tín dụng vào bất động sản... Nhưng một câu hỏi mà chưa nhiều người nghĩ tới là sau khi làm vậy, chúng ta sẽ nắn dòng tiền vào đâu?

Tôi cho rằng, với những bất động sản không đem lại giá trị thực tế như đất rừng, đất nông nghiệp ở những khu vực hạ tầng chưa phát triển thì việc ngăn sốt giá ảo, đưa giá trị bất động sản quay về với giá trị thực của nó là hợp lý. Điều đó góp phần tạo điều kiện cho hoạt động canh tác nông - lâm nghiệp được phát triển, tránh tình trạng buôn bán, lướt sóng đất kiếm lời.

Còn với những bất động sản có thể cho thuê hoặc xây dựng, đem lại giá trị thực tế, thì cứ để cho quy luật cung - cầu của thị trường quyết định vấn đề giá cả, thay vì cố can thiệp bằng công cụ chính sách. Nói cách khác, giá cả bất động sản không nên là đối tượng quan tâm của chính sách. Để giảm giá nhà đất, nhà nước không nên kêu gọi doanh nghiệp hạ giá mà cần tạo cơ chế để thị trường hoạt động trơn tru, đúng quy luật

Nên nhớ, mật độ dân cư cũng gián tiếp góp phần ảnh hưởng đến giá bất động sản thông qua mối quan hệ cung - cầu. Nếu cơ quan quản lý các cấp có thể quy hoạch tốt vấn đề kinh tế vùng, hạ tầng giao thông kết nối, nhằm làm giãn mật độ dân cư, thì sẽ góp phần hạ nhiệt được giá bất động sản ở những thành phố lớn, cũng như tận dụng được quỹ đất vùng ven và các đô thị vệ tinh để phát triển đô thị, kinh tế, cũng như góp phần làm giảm giá đền bù khi nhà nước thu hồi đất để phát triển dự án.