Năm 2022, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt khoảng 180.000 tấn. |
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp và nông dân 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đang tất bật vào vụ thu hoạch, cũng như sẵn sàng các phương án xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn vải tươi sang những thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản…
Trái vải tươi vào thị trường Trung Quốc thuận lợi
Tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), niên vụ vải năm nay có 200 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào địa phương để thu mua vải thiều. Những ngày đầu tháng 6/2022 đã có 16 thương nhân Trung Quốc đến Lục Ngạn để thu mua vải sớm. Hiện, giá bán vải đang dao động từ 18.000 - 35.000 đồng/kg, đây là mức giá tốt thời điểm đầu mùa. Dự kiến, sản lượng vải xuất khẩu của Lục Ngạn sang các thị trường khoảng gần 120.000 tấn.
Đáng chú ý, nối tiếp thành công của những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã mở rộng thị phần xuất khẩu nhờ bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam Ngô Thị Thu Hồng chia sẻ: "Chúng tôi kết hợp bán cả B2B và B2C, đưa hàng lên trang Alibaba.com chủ yếu là để quảng bá sản phẩm. Các khách hàng sẽ tìm đến công ty sau đó để hỏi thông tin hàng và chốt đơn. Uớc tính có khoảng 30% nguồn khách nước ngoài liên hệ mua vải từ việc tìm hiểu trên trang thương mại điện tử".
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, Trung Quốc từ trước tới nay vẫn là thị trường truyền thống, tiêu thụ phần lớn lượng vải tươi của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách "Zezo-Covid" nên dự báo việc xuất khẩu vải vào thị trường này tiếp tục khó khăn.
Do đó, Bộ Công Thương thường xuyên khuyến cáo để các doanh nghiệp và chính quyền địa phương nơi có cửa khẩu với Trung Quốc lên kế hoạch sớm thực hiện luồng xanh, sao cho quả vải được xuất khẩu thuận lợi nhất.
Từ những ngày đầu tháng 6/2022, vải thiều được cho vào mặt hàng ưu tiên làm thủ tục thông quan sớm với làn ưu tiên trong ngày tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn còn tăng cường sắp xếp bến bãi, điều tiết giao thông, mở rộng "vùng xanh an toàn" tại cửa khẩu, thích ứng với yêu cầu phòng chống dịch của 2 bên.
Đa dạng thị trường, hướng tới chuỗi ngành hàng chuyên nghiệp
Sau 2 năm tập trung thị trường Nhật Bản, năm nay nhiều doanh nghiệp, vùng trồng tiếp tục đẩy mạnh vào thị trường Mỹ, một thị trường được đánh giá là tiềm năng nhưng khó tính, đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Từ năm 2018, trái vải tươi của Việt Nam đã được phía Mỹ chấp thuận, song đến nay, sản lượng vải tươi xuất khẩu vào thị trường này còn khá khiêm tốn.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trở ngại lớn nhất khi nhập vải tươi sang Mỹ là chi phí vận chuyển. Ước tính, cước vận chuyển bằng đường hàng không hiện chiếm tới hơn 70% giá thành 1 kg vải tươi khi sang tới Mỹ.
Đề cập về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trái vải, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công Thương đang phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương và Bắc Giang quảng bá thương hiệu và kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều. Cùng với đó, Bộ hỗ trợ 2 địa phương xây dựng các phương án, kịch bản đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều ở thị trường trong nước.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2022, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.300ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn; trong đó, vải chín sớm là 60.000 tấn, vải thiều chính vụ 120.000 tấn. Diện tích vải thiều toàn tỉnh Hải Dương là gần 9.000ha, sản lượng ước đạt 60.000 tấn; trong đó, vải chín sớm gần 25.000 tấn; vải thiều chính vụ gần 35.000 tấn. Dự kiến, năm nay sản lượng vải xuất khẩu khoảng 120.000 tấn, sang các thị trường: Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ, Malaysia, Australia, Singapore…
|
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị tỉnh Hải Dương và Bắc Giang cần chủ động ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại như: Giao thương trực tuyến, hội chợ và hội thảo trực tuyến; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Bên cạnh đó, 2 tỉnh cũng cần bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh để điều hành linh hoạt các hoạt động thu mua vải thiều giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân.
Đặc biệt là thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiêu thụ theo tín hiệu của thị trường.
Song song với đó, tập trung hình thành sản xuất, chế biến, xuất khẩu trái vải theo chuỗi ngành hàng để sẵn sàng đối mặt với mọi rủi ro có thể xảy ra, cũng như không ngừng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới nhằm chủ động hơn trong việc tiêu thụ trái vải.