Chính phủ sẽ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong nửa cuối năm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), lũy kế 7 tháng đầu năm, giá trị giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cả nước đạt 210.800 tỷ đồng, tăng 12,7% nhưng mới hoàn thành 44% kế hoạch đề ra. Trong tháng 7, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 38.300 tỷ đồng, giảm 1,7% so với tháng trước và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số nguyên nhân giải thích cho việc chậm giải ngân vốn đầu tư là do bất ổn về dịch bệnh Covid-19, tiến độ giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương còn nhiều khúc mắc và chậm kết toán công trình. Cộng thêm khó khăn về nguồn cung ứng nguyên vật liệu, giá vật liệu xây dựng như thép, cát, đá tăng cao (tăng khoảng 60% từ đầu năm) ảnh hưởng đến tiến độ các gói thầu và hiệu quả dự án.
Riêng trong tháng 7, quá trình giải ngân gặp nhiều khó khăn do nhiều công trình, dự án buộc phải dừng thi công bởi dịch bệnh. Theo GSO, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của 19 địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 7 ước tính đạt 11.700 tỷ đồng, chiếm 30,6% tổng vốn và giảm 26,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, kế hoạch vốn đầu tư được giao của TP HCM năm nay đạt 35.700 tỷ đồng, chiếm 7,51% kế hoạch vốn của cả nước. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến vốn đầu tư thực hiện của TP HCM giảm 67,5% so với tháng 7 năm ngoái, tương đương 3,2% chỉ tiêu cả năm.
Mặc dù tỷ lệ giải ngân nửa đầu năm còn thấp, tuy nhiên nhiều chuyên nhận định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố như dịch bệnh, tăng giá thép và một số nguyên vật liệu đầu vào khác sẽ giảm trong thời gian tới.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết theo kế hoạch của Chính phủ, tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho cả năm nay là 477.300 tỷ đồng. Xu hướng giải ngân vốn đầu tư thường tăng mạnh từ nửa cuối quý II trong những năm trở lại đây. Thêm vào đó, đẩy mạnh đầu tư công cũng là biện pháp quan trọng để thúc đẩy hồi phục kinh tế sau các tác động của đại dịch. Do đó, công ty chứng khoán cho rằng lượng giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách sẽ ghi nhận tăng trưởng mạnh trở lại ở những tháng cuối năm.
Nhóm phân tích thuộc Chứng khoán BIDV (BSC) hay Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng nhận định đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong nửa cuối năm do áp lực tăng trưởng kinh tế sẽ thúc đẩy Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Nghị quyết số 63 của Chính phủ ban hành tháng 6 nêu rõ định hướng tập trung tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc về thể chế, chính sách. Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch được giao. Trong đó, đến hết quý III, giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp thẩm quyền phê duyệt tất cả các tỉnh chậm nhất vào tháng 12. Đồng thời, các chủ đầu tư đảm bảo giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch cho đến cuối năm, cùng với đó tất toán hết các công trình có nguồn vốn kéo dài từ năm 2020. Đây sẽ là nhóm được tập trung giải ngân mạnh mẽ nhất trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2021, mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.
Theo đó, Chính phủ cũng đưa ra một số giải pháp thúc đẩy tiến độ như bố trí nguồn cung nguyên vật liệu đáp ứng, đẩy nhanh quá trình thanh toán, nghiệm thu, quyết toán, điều chuyển chủ đầu tư với dự án chậm giải ngân.
Đầu tư công là động lực tăng trưởng giai đoạn 2021-2025
Nửa đầu năm nay, nhập siêu đạt mức 1,47 tỷ USD và tình trạng này tiếp diễn sẽ là trở ngại cho tăng trưởng cuối năm. Tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp và lây lan ở nhiều tỉnh thành cả nước. Dự kiến sang năm 2020, Việt Nam mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Vì thế, theo Agriseco, đầu tư công là động lực dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế khi nhiều “đầu kéo tăng trưởng” khác đang suy yếu. Theo GSO, ước tính giai đoạn này nếu giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP tăng thêm 0,058%. Cũng trong dự báo giai đoạn 2021 – 2025, giải ngân 1 đồng vốn đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư khối ngoài Nhà nước, cao hơn giai đoạn trước là 1,42 đồng.
Tổng số dự án triển khai trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến là gần 5.000 dự án với mức vốn bình quân là 210 tỷ đồng/dự án - gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án). Trong đó, kế hoạch giải ngân đầu tư công là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng hơn 40% so với con số thực hiện giai đoạn trước.
Các dự án trọng điểm dự kiến tập trung triển khai giai đoạn 2021-2025 gồm cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, 11 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc Nam, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất/Nội Bài, sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, dự án nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1…
Ngoài ra, đầu tư công còn có tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành. Khi đầu tư công được đẩy mạnh, các dự án cơ sở hạ tầng được phê duyệt là xúc tác tích cực tới thị trường bất động sản. Các điều kiện pháp lý sẽ thuận lợi hơn từ những thay đổi tích cực trong Luật Xây dựng cũng như lãi suất cho vay mua nhà vẫn đang duy trì ở mức thấp sẽ hỗ trợ nguồn cầu ổn định trong thời gian tới. Đồng thời, nhu cầu xây dựng tăng sẽ giúp các đơn vị sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng được lợi trực tiếp.
Nhóm trung và hạ nguồn gồm xây dựng, thi công công trình cũng có cơ hội tiếp nhận các gói thầu dự án; nhóm logistics, cảng biển hưởng lợi sau khi hạ tầng hoàn thiện hay ngân hàng sẽ đạt lợi ích gián tiếp từ việc tăng cường cấp tín dụng giải ngân trong lĩnh vực này.
Vaccine là chìa khóa cho sự phục hồi nền kinh tế
Theo báo cáo triển vọng kinh tế gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc trở lại bình thường như trước dịch sẽ phụ thuộc vào mức độ sẵn có của vaccine Covid-19, các chương trình tiêm chủng và chính sách y tế công cộng của các quốc gia.
Các quốc gia trên thế giới ngày càng đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng nhằm mở cửa nền kinh tế trở lại. Theo số liệu từ Our Word In Data, tính đến ngày 20/8, tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ đạt 60% dân số, các quốc gia EU là 63%. Bloomberg cũng cho biết tỷ lệ tiêm vaccine trung bình trên toàn cầu đạt khoảng 36,2 triệu liều một ngày. Hiện số liều vaccine Covid-19 được sử dụng đủ để tiêm chủng đầy đủ cho 31,9% dân số toàn cầu, tuy nhiên sự phân bổ vaccine đang không đồng đều. Các chuyên gia cho rằng dịch bệnh có thể kiểm soát khi 70-80% dân số được tiêm chủng.
Báo cáo của OECD cho biết 7 quốc gia, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, đã ghi nhận GDP bình quân đầu người trở lại trạng thái trước đại dịch. Khi xem xét 46 quốc gia trên thế giới, tổ chức này cũng cho rằng hầu hết nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2022.
Tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến đạt 5,8% trong năm nay, được dẫn dắt bởi các nền kinh tế phát triển. Việt Nam cũng sẽ được hỗ trợ từ bối cảnh chung các nền kinh tế lớn – cũng là đối tác thương mại chính của Việt Nam đang hồi phục tích cực.
Bên cạnh đó, vaccine Covid-19 cũng sẽ là chìa khóa cho sự phục hồi tăng trưởng nội địa. Cụ thể, tốc độ tiếp nhận vaccine và tốc độ tiêm sẽ là yếu tố xác định tốc độ phục hồi nền kinh tế. Lũy kế đến ngày đầu tháng 8, tổng số liều vaccine đã nhận và tổng số liều đã tiêm 1 mũi/dân số đạt lần lượt 11 triệu liều và 6,6%, tương đối chậm so với các quốc gia phát triển do tình trạng thiếu hụt vaccine trên toàn cầu, đặc biệt nhóm các nước khu vực châu Á triển khai còn nhiều phát sinh. Tuy nhiên, các mô hình tiêm chủng mới đang được triển khai nhanh hơn nhằm tăng tốc độ tiêm chủng. Theo đó, BSC kỳ vọng với tốc độ tiêm cải thiện và lượng vaccine về như tiến độ thì tỷ lệ tiêm chủng của Việt nam có thể đạt lần lượt 30% và 70% vào quý IV và cuối quý I/2022.
THẢO ANH