Đây là ý kiến được nhiều ngân hàng (NH) thương mại chia sẻ tại tọa đàm "Thực trạng, giải pháp và các vấn đề pháp lý cần lưu ý liên quan đến hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trong giai đoạn khởi kiện và thi hành án", do Hiệp hội NH Việt Nam và TAND TP HCM tổ chức ngày 26-3.
Không dễ thu hồi nợ dù kiện ra tòa
Đại diện NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho biết NH đang có 3 hồ sơ khách hàng vướng nợ xấu, đã kiện ra tòa và có bản án nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm.
Các ngân hàng thương mại đang gặp nhiều khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu là bất động sản .Ảnh: TẤN THẠNH
Đơn cử, năm 2011, khách hàng có khoản vay tại Techcombank nhưng sau đó không trả được nợ. Đến năm 2017, NH khởi kiện ra TAND quận Phú Nhuận (TP HCM) và đã có bản án, chuyển qua cơ quan thi hành án để bàn giao tài sản cho NH xử lý nợ. Nhưng chưa kịp thi hành án thì năm 2018, vợ của khách hàng này nộp đơn lên cơ quan thi hành án yêu cầu công nhận tài sản chuẩn bị giao cho NH xử lý nợ là tài sản chung, buộc phải ngưng quyết định thi hành án… "Sau 10 năm, từ khoản vay gồm gốc và lãi đến nay là 27 tỉ đồng nhưng chúng tôi không thể thu hồi tài sản thế chấp để xử lý nợ vì khâu thi hành án kéo dài. Cứ có quyết định thi hành án là vợ của khách hàng lại nộp đơn đề nghị bác, yêu cầu tòa xử lại vụ kiện từ đầu" - đại diện Techcombank kể.
Trường hợp tương tự cũng được đại diện NH TMCP Sài Gòn (SCB) chia sẻ. Cụ thể, khách hàng vay rồi không trả được nợ, NH khởi kiện ra tòa, có quyết định thi hành án nhưng không thể tiến hành bởi tài sản phát sinh tranh chấp. Người trong gia đình khách hàng nộp đơn kiện. Vậy là việc thi hành án phải ngưng lại. "Thực chất là khách hàng cố tình làm khó để trục lợi, khi căn nhà này đang được cho thuê từ 80-100 triệu đồng/tháng. Do đó, NH kiến nghị cần biện pháp chế tài mạnh đối với những trường hợp khách hàng cố tình tạo ra tranh chấp ảo nhằm trì hoãn việc giao tài sản thế chấp cho cơ quan thi hành án" - đại diện SCB đề xuất.
Theo nhiều NH, Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho phép tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhưng trên thực tế, việc thu giữ tài sản bảo đảm vẫn phụ thuộc nhiều vào thiện chí của người vay. Trong nhiều trường hợp, người vay không hợp tác, cố chây ì trong bàn giao tài sản thế chấp, việc hỗ trợ thu giữ tài sản ở một số địa phương cũng chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ.
Tòa án cũng gặp khó
Ông Phan Văn Thụy, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Cục Thi hành án dân sự TP HCM, cho biết trong 3 năm qua (từ 2018-2020), mỗi năm cơ quan ông phải giải quyết từ 3.100 - 4.500 vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng trên địa bàn. Số việc và số tiền phải thi hành án liên quan đến các NH thương mại tăng qua từng năm. Số tiền phải thu cho các tổ chức tín dụng chiếm trên 50% tổng số tiền phải thi hành án. Nhưng kết quả thi hành án liên quan đến lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, chưa đạt theo tiến độ chung. "Quy định về trình tự thủ tục kê biên, bán đấu giá tài sản trong thi hành án còn rất phức tạp, chồng chéo mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật chuyên ngành. Nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, số lượng tiền phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng rất nhiều, chiếm trên 50% tổng giá trị mà cơ quan thi hành án phải thực hiện" - ông Thụy nói.
Theo cơ quan thi hành án, hầu hết những vụ việc liên quan đến tín dụng, NH đều phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn. Trong khi tâm lý người dân vẫn còn e ngại đối với việc mua tài sản thi hành án thông qua tổ chức bán đấu giá. Do vậy, tình trạng bất động sản, nhà đất bán đấu giá không có người mua, phải giảm giá nhiều lần; có những tài sản phải giảm giá đến 1/3, thậm chí giảm đến 1/2 mới bán được khiến việc thi hành án kéo dài…
Trước chia sẻ của một số NH thương mại về việc không thể thu hồi tài sản thế chấp dù đã có quyết định thi hành án, ông Phan Văn Thụy nhìn nhận pháp luật về thi hành án vẫn còn một số kẽ hở giúp cho người phải thi hành án lợi dụng trốn tránh, kéo dài thời gian thi hành, như tài sản khi kê biên có tranh chấp thì phải hoãn thi hành án chờ kết quả giải quyết của tòa án. "Thực tế đang có rất nhiều vụ việc khi chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản thì đương sự tìm mọi cách tạo ra các tranh chấp giả tạo, mục đích kéo dài việc thi hành án" - ông Thụy chia sẻ.
Bà Trần Thị Mỹ Ngọc - Phó Chánh án TAND quận 3, TP HCM - cũng thông tin tòa án gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành thẩm định tại chỗ với tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu là bất động sản. Khi nhận thế chấp, NH chỉ xem xét tài sản dựa trên giấy tờ nên quá trình thẩm định tại chỗ phần diện tích chênh lệch hoặc hiện trạng có sự khác biệt.
Quá trình giải quyết cũng phát sinh thêm nhiều người tham gia tố tụng khi có nhiều người sinh sống, doanh nghiệp kinh doanh hoặc nhiều người tạm trú trên tài sản thế chấp này. "Ví dụ, tài sản thế chấp là nhà đất nhưng trong nhà lại có tài sản khác như đồ dùng gia đình, đồ điện tử, quần áo, giường tủ… Nếu khách hàng vay và người liên quan không tự nguyện dời đi thì cơ chế, phương thức để xử lý đối với các tài sản này thế nào? Chưa kể, nếu thu giữ tài sản thế chấp là nhà đất nhưng trong nhà có ba mẹ, con cái của người vay đang sinh sống thì cơ chế, phương thức xử lý ra sao?" - bà Ngọc băn khoăn.
Thậm chí trên thực tế, rất nhiều vụ việc NH thương mại phát mại tài sản thế chấp của doanh nghiệp vay là chung cư nhưng trong đó lại có cư dân sinh sống nên việc thu giữ tài sản rất khó. Ở những vụ việc này, tòa án phải triệu tập, tống đạt đưa thêm người tham gia tố tụng phát sinh, bởi người có tài sản bị thế chấp cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án nhằm mục đích giữ được tài sản càng lâu càng tốt.
Ông Phan Tấn Trung, Phó chánh Thanh tra giám sát NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho rằng để tổ chức tín dụng tiếp tục là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cần hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu tốt hơn.
Theo đó, NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM kiến nghị cần giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết 42; như có các giải pháp gỡ khó về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, phát triển thị trường mua bán nợ. Có cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản thế chấp; quyền thu giữ tài sản bảo đảm hay áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý tài sản bảo đảm…
Ưu tiên thỏa thuận với khách hàng
Các chuyên gia cho rằng cần tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa tổ chức tín dụng, tòa án và cơ quan thi hành án dân sự trong giải quyết hồ sơ thi hành án để quá trình xử lý tài sản thế chấp đạt hiệu quả. Trong khi chờ giải quyết những vướng mắc, các NH thương mại cho biết họ vẫn ưu tiên thỏa thuận, tìm giải pháp cùng khách hàng gỡ khó để có thể sớm trả được nợ.
Người lao động