Thảo luận ở hội trường sáng 31/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội (KT-XH) và Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2023, các đại biểu góp nhiều ý kiến về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cải thiện thị trường tài chính, trái phiếu, bất động sản, chứng khoán, khôi phục sản xuất kinh doanh…
Đề nghị tiếp tục hạ lãi suất
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) đánh giá, những kết quả đã đạt được năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, cùng những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô được báo cáo khách quan. Tuy vậy để đạt được các mục tiêu trong năm 2023, Chính phủ cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt bằng các giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nhất là giải pháp đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.
Trước tình trạng các DN gặp khó khăn, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác bảo lãnh hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát. Đại biểu cũng đề xuất NHNN chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc đáp ứng dụng, sử dụng vốn và mức tăng trưởng tín dụng.
Đề xuất giải pháp cho DN tiếp cận nguồn vốn vay, Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, dù đã có nhiều đợt giảm giảm lãi suất điều hành từ đầu năm, song NHNN phải quy định trần room tín dụng. Giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc bất ngờ bị siết lại.
“NHNN xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của DN. Bên cạnh đó, NHNN cần chỉ đạo các NHTM rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của DN, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp DN giảm bớt khó khăn”.
Thuế VAT nên giảm đến 4%
Đối với chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa XV, Đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Chính phủ huy động các kênh thông tin, làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng biết và đón nhận. Quốc hội tiếp tục xem xét mức giảm thuế VAT xuống từ 3% - 4% và kéo dài đến hết năm 2024.
“Trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh nặng thuế cho DN để thu hút đầu tư, Việt Nam cũng nên xem xét giảm thuế VAT ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua. Từ đó DN có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần vực dậy DN, góp phần cho sự ổn định và phát triển KT-XH các địa phương trong cả nước”, Đại biểu Tô Ái Vang đề nghị.
Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển KT-XH từ nay đến cuối năm, Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) đề nghị Chính phủ chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua.
Trong đó ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế chính sách, những quy định hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi, phát triển KT-XH và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm giúp các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chương trình này đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ đề ra.
Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm quan tâm, chỉ đạo rà soát và có các cơ chế, chính sách cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại, lực cản lớn đối với sự phát triển của các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là việc chưa có quy định phù hợp về phân cấp, phân quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng.
“Đây là một trong những nguyên nhân chậm triển khai các dự án, gây chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách phù hợp để triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng. Có cơ chế để các tỉnh Tây Nguyên khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế hiện có từng bước giúp Tây Nguyên trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”, Đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN