dai-bieu-quoc-hoi-1653391779.jpeg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng giá xăng dầu điều chỉnh tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là đến vấn đề lạm phát - Ảnh: VGP/Phương Liên

15h hôm 23/5, Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Đây là kỳ tăng giá thứ ba liên tiếp kể từ cuối tháng 4.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu vẫn khá "nhỏ giọt".

Chiều 23/5, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng giá xăng dầu điều chỉnh tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là đến vấn đề lạm phát.

Ông Ngân nhắc lại "bài học chúng ta nhìn thấy trong giai đoạn năm 2008, lúc đó biến động giá xăng dầu lên tới 141 USD/thùng. Cùng với đó, giá lương thực thực phẩm tăng làm lạm phát tăng rất nhanh. Có thời điểm lạm phát tại Việt Nam tăng tới 23%. Lúc đó tất cả các chi phí giá cả, hàng hóa và đời sống của người dân vô cùng khó khăn".

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích, lạm phát của chúng ta hiện vẫn đang kiểm soát tốt nhưng vẫn có thể lên cao. Hiện nay tại Mỹ, lạm phát đã lên tới 8,5% (cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu), lạm phát tại châu Âu cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. Do vậy, chúng ta phải sử dụng các công cụ nếu không giá xăng dầu điều chỉnh tăng sẽ tác động đến giá hàng hóa. Khi đó rất khó kiểm soát, kiềm chế lạm phát.

"Để giảm được giá xăng dầu thì phải trình giải pháp để giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu giảm nên chúng ta cần công cụ thuế để kiểm soát giá", đại biểu Ngân cho hay.

Bên cạnh xăng dầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng cần kiểm soát, tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng để "té nước theo mưa", tăng giá các mặt hàng bất hợp lý để trục lợi.

Ông Ngân cho rằng, giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động đến đời sống người dân. Đời sống người dân đã vô cùng khó khăn do 2 năm COVID-19 mà nay gặp "bão giá" thì càng gặp khó. Trong khi đó chi phí doanh nghiệp như vận chuyển, lưu thông hàng hóa cũng tăng.

7af13a217044b01ae955-16533068765551313087801-1653391839.jpeg
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, chúng ta phải tính tới các kịch bản điều chỉnh các chỉ tiêu trong đó có chỉ tiêu lạm phát - Ảnh: VGP/Phương Liên

Tính tới các kịch bản điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát

Đại biểu Lê Thanh Vân (Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, giá xăng tăng do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân do xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn tới biến động địa chính trị toàn cầu, đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Giá xăng dầu đẩy lên cao dẫn tới tác động đầu vào của hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

"Liên quan tới việc kiểm soát giá xăng dầu, chúng ta đã sử dụng những công cụ như giảm tới 50% mức thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel và sử dụng quỹ bình ổn. Những công cụ dự trữ về dư địa chính sách đã được áp dụng. Tuy nhiên, mức giá xăng dầu giảm không đáng kể. Bởi việc giảm không bù đắp lại tỉ lệ phần trăm tăng giá", đại biểu Lê Thanh Vân phân tích.

Theo đại biểu Vân, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng điều này có thể dẫn tới những lo ngại về lạm phát. Khả năng kiểm soát lạm phát dưới mức 4% là khó theo mục tiêu đặt ra. "Do vậy chúng ta phải tính tới các kịch bản điều chỉnh các chỉ tiêu trong đó có chỉ tiêu lạm phát", ông Vân nhận định.