Kể từ đầu dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam có 1.294.778 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính riêng từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), có số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.289.511 ca, trong đó có 1.004.749 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.061, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tính đến ngày 3/12, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 126.846.771 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 73.155.299 liều, tiêm mũi 2 là 53.691.472 liều.

Covid-19 sáng 5/12:
Thông báo khu vực có người cách ly tại nhà. (Ảnh: Thanh Chân)

Hà Nội: Điều trị tại nhà đối với F0 không triệu chứng

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Phương án số 276/PA-UBND ngày 2/12/2021 về việc cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Phương án này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm Covid-19 được tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất với dịch vụ y tế, chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như vật chất cho người bệnh; nâng cao nhận thức, ý thức, thái độ và trách nhiệm của người dân về phòng, chống dịch Covid-19 đối với xã hội; người mắc Covid-19 (F0) được cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.

Đối tượng được quản lý tại nhà là người mắc Covid-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ.

Người mắc không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở 20 lần/phút, SpO2>97% khi thở khí trời; không có thở bất thường. Độ tuổi người mắc gồm: trẻ em trên 3 tháng tuổi, người lớn dưới 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, không mang thai.


Giải pháp cần thiết tại Bạc Liêu

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu đã triển khai việc cách ly, điều trị tại nhà đối với người mắc Covid-19 không có triệu chứng.

Việc triển khai điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà là giải pháp cần thiết tại tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn hiện nay, góp phần giảm tải cho các cơ sở thu dung, điều trị và các bệnh viện; tập trung nguồn nhân lực y tế để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng cũng như công tác phòng, chống dịch.

Thành phố Bạc Liêu được xem là điểm nóng về tình hình lây nhiễm Covid-19 trong tỉnh bởi số ca mắc mới tăng nhanh với trên 100 ca/ngày.

Để giảm tải cho các cơ sở thu dung, điều trị, thành phố Bạc Liêu đã thực hiện điều trị F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tại nhà ở 8 trong số 10 phường, xã; hai xã chưa thực hiện là Vĩnh Trạch và Hiệp Thành do số ca mắc Covid-19 không nhiều.

Đến nay, thành phố có trên 100 F0 đang được điều trị tại nhà.


Thừa Thiên Huế gia tăng ca phát hiện tại cộng đồng

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, kết quả đến 18h ngày 4/12, tỉnh này ghi nhận thêm 339 ca dương tính SARS-CoV-2.

Theo đó, trong 339 ca mắc mới này, phát hiện tại khu cách ly tập trung 10 ca, khu phong tỏa 6 ca, giám sát y tế từ vùng dịch về 2 ca, giám sát y tế tại nhà 1 ca, tại chốt kiểm soát 1 ca, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà 107 ca và tại cộng đồng 212 ca (tất cả được đưa vào khu cách ly y tế ngay sau khi phát hiện).

Các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng được công bố hôm nay có địa chỉ nơi ở chủ yếu tại thành phố Huế, ngoài ra còn có các địa phương như huyện Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà.

Với 339 ca mắc mới này, đây là số ca mắc cao kỷ lục tại Thừa Thiên Huế từ trước tới nay.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 4.077 ca F0. Hiện đang điều trị 1.491 ca, đã được điều trị khỏi 2.577 ca (trong ngày có 322 ca) và có 9 ca tử vong.

Tại cuộc họp diễn ra cùng ngày, Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định cho biết, qua thống kê, hiện số ca F0 trong cộng đồng vẫn tăng cao nên để kiểm soát và ngăn chặn các nguồn lây, có thể kéo dài việc tầm soát diện rộng thêm 1, 2 ngày so với kế hoạch đề ra.


TP. Hồ Chí Minh tăng cường bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chiến dịch tăng cường bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, mục tiêu giảm mắc và giảm tử vong do Covid-19, dự kiến thực hiện từ nay đến ngày 31/12.

Theo đó, các Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn rà soát và lập danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên).

Căn cứ vào danh sách được lập, trung tâm y tế triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho từng thành viên của các hộ gia đình. Nếu phát hiện F0 không thuộc nhóm nguy cơ thì trung tâm y tế khuyến khích bệnh nhân đi cách ly tập trung để giảm nguy cơ lây lan cho các thành viên khác trong hộ gia đình, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ.

Trường hợp phát hiện F0 thuộc nhóm nguy cơ, có bệnh nền ổn định, có đủ điều kiện cách ly tại nhà thì trung tâm y tế bố trí lực lượng cấp phát thuốc kháng virus cho F0 và cách ly tại nhà (nếu F0 có nguyện vọng). Người có bệnh nền hoặc trên 50 tuổi, có kết quả xét nghiệm âm tính thì sẽ được tiêm mũi nhắc lại trong trường hợp đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.

Ngoài ra, gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ được trung tâm y tế chuyển danh sách kèm số điện thoại liên lạc đến mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa.


Xuất cấp hơn 4,88 nghìn tấn gạo hỗ trợ 3 tỉnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 2044/QĐ-TTg chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.880,295 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Hòa Bình, Hà Tĩnh, Sóc Trăng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Hòa Bình 54,78 tấn gạo; tỉnh Hà Tĩnh 229,47 tấn gạo; tỉnh Sóc Trăng 4.596,045 tấn gạo.

Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.

UBND các tỉnh Hòa Bình, Hà Tĩnh và Sóc Trăng chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định và phù hợp với công tác phòng, chống dịch tại địa phương.


Vaccine là biện pháp hiệu quả nhất

Ngày 4/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến tăng cường công tác an toàn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tới điểm cầu các cơ sở y tế trong cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định, tiêm vaccine đóng vai trò then chốt trong ngăn ngừa dịch bệnh. “

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng tiêm vaccine là biện pháp là chủ động, hiệu quả nhất trong kiểm soát dịch bệnh, kể cả với các biến thể mới như Delta hay Omicron”.

Vì thế, WHO khuyến cáo các quốc gia cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.

Tại Việt Nam, với gần 127 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm, độ bao phủ mũi 1 là 93% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm, mũi 2 là hơn 70%.

Việt Nam cũng đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi và có kế hoạch và hướng dẫn tiêm mũi tăng cường (mũi bổ sung) cho một số nhóm đối tượng được khuyến cáo.

Để đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn tiêm chủng, từ khi chuẩn bị tiếp nhận những lô vaccine đầu tiên tới nay, Bộ Y tế và ngành y tế liên tục tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn an toàn tiêm chủng cho toàn tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về vaccine, cấp cứu, hồi sức, tim mạch…

Từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế có 5 lần cập nhật, sửa đổi hướng dẫn sàng lọc trước tiêm, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Bên cạnh đó, trong chẩn đoán, điều trị và quản lý, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim sau tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine Covid-19…

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng ngày 5/12, thế giới ghi nhận tổng cộng 265.677.287 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.263.623 ca tử vong. Hơn 239,3 triệu bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 20 triệu bệnh nhân đang được điều trị.