Covid-19 ở Hà Nội: Sáng 31/7, thêm 23 ca mắc mới, có 8 trường hợp phát hiện tại cộng đồng
Tính từ 18h30 ngày 1/8 đến 6h ngày 02/8, Việt Nam ghi nhận 3.201 ca nhiễm mới Covid-19.

Thông tin các ca mắc Covid-19 mới

Tính từ 18h30 ngày 1/8 đến 6h ngày 02/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.201 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 3.198 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (1.997), Bình Dương (496), Đồng Nai (189); Cần Thơ (119), Tiền Giang (79), Đà Nẵng (76), Vĩnh Long (50), Hà Nội (46), Bình Thuận (46), An Giang (17), Kiên Giang (17), Bình Định (14), Ninh Bình (13), Đồng Tháp (11), Đắk Nông (10), Nghệ An (8 ), Thanh Hóa (4), Hà Tĩnh (3), Lâm Đồng (2), Gia Lai (1) trong đó có 976 ca trong cộng đồng.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

- Tính đến sáng ngày 2/8, Việt Nam có 157.507 ca nhiễm trong đó có 2.265 ca nhập cảnh và 155.242 ca mắc trong nước.

- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 153.672, trong đó có 40.383 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

- Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 43.157 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 432 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.

Tình hình xét nghiệm

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 6.213.144 mẫu cho 17.535.773 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19

Trong ngày có 209.156 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm là 6.415.219 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.756.155 liều, tiêm mũi 2 là 659.064 liều.

Những hoạt động của ngành y tế nổi bật

- Ngày 31/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyên Thanh Long làm trưởng đoàn tới làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang về công tác phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.

- Đến ngày 31/7/2021, TP. Hồ Chí Minh đã được phân bổ 3 triệu liều, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này.

11 nguyên tắc phòng chống dịch bệnh Hà Nội cần khẩn cấp thực hiện

Tối 1/8, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong những ngày gần đây, ngoài những trường hợp đã phát hiện qua sàng lọc các trường hợp có triệu chứng của vi rút SARS-CoV-2, như: ho, sốt, khó thở, mất vị giác….tiếp tục xuất hiện một số chùm ca bệnh phức tạp, tốc độ lây lan nhanh có nguồn gốc từ các vùng dịch khác trở về Thủ đô.

UBND TP. Hà Nội chỉ rõ 11 nguyên tắc về phòng chống dịch trong thời điểm quan trọng hiện nay. Trong đó đáng chú ý, UBND TP yêu cầu các đơn vị chủ động đánh giá tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn đặc biệt tại các bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán hàng thiết yếu, khu đông dân cư, các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa; phê duyệt phương án phòng chống dịch đối với các trụ sở cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn; chủ động quyết định việc thực hiện các biện pháp cao hơn trong thời gian giãn cách xã hội như phong tỏa một khu vực: Khu dân cư, tổ dân phố, cấp phường, xã, thị trấn để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các lực lượng chống dịch ưu tiên tập trung 4 biện pháp cấp bách là: truy vết tối đa trong thời gian ngắn nhất; sàng lọc các đối tượng có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mất vị giác…; tăng cường, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với các khu vực có nguy cơ, người về từ vùng dịch; khu trú tập trung đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm nguồn lực theo quyết định của cơ quan y tế; cách ly, giám sát, xét nghiệm các nguy cơ đối với các trường hợp về từ vùng dịch và các địa điểm, vùng có nguy cơ khác do cơ quan y tế tham mưu.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương và Thành phố, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố chấp hành nghiêm Chỉ thị số 17 thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm tại công sở, triển khai đồng bộ các mô hình hay, có hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ”.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn (gồm các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện tuyến thành phố và các bệnh viện ngoài công lập) đều phải thực hiện xây dựng phương án hoạt động bệnh viện an toàn và trình UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt để tổ chức hoạt động; thực hiện phương án “4 tại chỗ” (làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - sinh hoạt, nghỉ ngơi tại chỗ - điều trị tại chỗ) và tổ chức chăm sóc toàn diện cho người bệnh, hạn chế tối đa người chăm sóc người bệnh tại bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện; phân bố lực lượng làm việc luân phiên từ 7 đến 14 ngày tại bệnh viện mới thay; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được hoạt động khi được đảm bảo các tiêu chí an toàn Covid-19 do Bộ Y tế quy định.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả, kịp thời các biện pháp, nhiệm vụ cụ thể phòng, chống dịch; thực hiện việc giãn cách theo Chỉ thị số 17 phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương.

VĂN AN