Tin Covid-19 sáng 11/9: Giảm đáng kể số ca tử vong, TP. Hồ Chí Minh từng bước mở cửa, Hà Nội vào chiến dịch tiêm phủ vaccine

Trong 24 giờ (tính từ 17h ngày 9/9 đến 17h ngày 10/9) số ca nhiễm mới Covid-19 ghi nhận trong nước tăng 907 ca. 5 địa phương ghi nhận số ca cao nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh (7.539), Bình Dương (3.563), Đồng Nai (823), Long An (321), Tây Ninh (248). Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.970 ca, ghi nhận 254 ca tử vong trong ngày.
Covid-19 ở Việt Nam sáng 11/9,
Thủ tướng giao Bộ Y tế xem xét cấp phép thêm một loại vaccine Covid-19.

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

Trong 24h giờ (tính từ 17h ngày 9/9 đến 17h ngày 10/9) số ca mắc mới Covid-19 ghi nhận trong nước là 13.321, nhiều hơn hôm qua 907 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 1.990 ca, Bình Dương giảm 968 ca, Đồng Nai giảm 57 ca, Long An giảm 91 ca, Tây Ninh tăng 87 ca.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 12.523.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 589.417 ca nhiễm, đứng thứ 49/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 157/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.991 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 585.051 ca, trong đó có 348.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng.

+ Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai.

+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (286.242), Bình Dương (149.859), Đồng Nai (32.882), Long An (27.537), Tiền Giang (11.430).

Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 12.751

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 350.921

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.970 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.775

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.124

- Thở máy không xâm lấn: 112

- Thở máy xâm lấn: 930

- ECMO: 29

Số bệnh nhân tử vong:

- Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 254 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (195), Bình Dương (41), Tiền Giang (3), Đà Nẵng (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (2), Bình Thuận (1), An Giang (1), Kiên Giang (1), Cần Thơ (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Khánh Hòa (1), Nghệ An (1).

- Bổ sung 21 ca tử vong từ trước tại: Bình Dương (14), Bình Thuận (4), Nghệ An (3).

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 302 ca.

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.745 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Tại tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, số ca tử vong trong ngày giảm gần 1/2 so với trước khi siết chặt giãn cách. Ngày 9/9, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 195 bệnh nhân Covid-19 tử vong, là ngày có số ca tử vong thấp nhất và cũng là lần đầu tiên số tử vong thấp hơn 200 trong 18 ngày qua.

Trước đó, ngày 2/9 số ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh được ghi nhận là 250; ngày 3/9 là 256; 222 ca vào ngày 4/9; 233 trong ngày 5/9; ngày 6/9 là 253; 7/9 là 268 và 203 ca vào ngày 8/9.

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 278.892 xét nghiệm cho 539.875 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 14.391.605,8 mẫu cho 41.975.319 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19

Trong ngày 9/9 có 1.168.812 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 25.926.688 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 21.459.102 liều, tiêm mũi 2 là 4.467.586 liều.

Phê duyệt có điều kiện vaccine Hayat-Vax (Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất) cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đây là vaccine thứ 7 được được Bộ Y tế cấp phép, sau vaccine AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm, Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson.

Ngày 10/9, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ 156.168 lọ (tương đương 1.446 thùng) thuốc Remdersivir 100mg để phục vụ công tác điều trị người bệnh Covid-19 từ kho dự phòng chống dịch của Bộ Y tế. Đây là lần phân bổ nhiều nhất thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 đến thời điểm này.

Trong đợt phân bổ lần 6 này, Bộ Y tế phân bổ cho 46 đơn vị gồm các Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 của Bộ Y tế tại TP HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long. Một số Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi TW, Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TW, Bệnh viện TW Huế, BV Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa TW Quảng Nam và Sở Y tế 26 tỉnh, thành phố, trong đó có TP Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, hệ thống Bệnh viện Vinmec. Trong đó Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh được phân bổ nhiều nhất với gần 40.000 lọ Remdesivir.

Việt Nam phê duyệt vaccine Covid-19 Hayat - Vax

Ngày 10/9, Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt có điều kiện vaccine này cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19. Theo văn bản do Thứ trưởng Trương Quốc Cường ký, vaccine Hayat - Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm.

Vaccine này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) - Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.

Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex là nơi đã đề xuất phê duyệt vaccine này.

Vaccine Hayat - Vax mỗi liều 0,5 ml chứa 6.5 đơn vị kháng nguyên SARS-CoV-2 (tế bào vero) bất hoạt, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm. Vaccine được đóng gói hộp một lọ chứa một liều 0,5 ml và hộp một lọ chứa 2 liều, mỗi liều 0,5 ml.

Bộ Y tế cũng quy định các điều kiện đi kèm việc phê duyệt Hayat - Vax cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

TP. Hồ Chí Minh giảm đáng kể số ca tử vong, lên kế hoạch từng bước mở cửa

TP. Hồ Chí Minh đề xuất 7 chiến lược chống dịch Covid-19 sau ngày 15/9, gồm: 1) Bao phủ vắc xin cho người dân sinh sống trên địa bàn Thành phố. 2) Giãn cách xã hội gắn liền với "thẻ xanh COVID-19". 3) Hiện thực hóa thông điệp "Sống khỏe trong môi trường có dịch". 4) Chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng. 5) Nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong do Covid-19. 6) Giám sát dịch tễ để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát. 7) Phục hồi hệ thống y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.

Số liệu từ ngành y tế TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện các cơ sở đang điều trị 39.617 bệnh nhân, trong đó: có 2.664 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.783 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Chia sẻ thông tin về diễn biến dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh trong 24 giờ qua, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện trung bình số ca Covid-19 nhập viện khoảng 3.500-4.000 mỗi ngày, đa số nhẹ, không triệu chứng, rất nhiều trường hợp F0 sau khi phát hiện được chăm sóc tại nhà.

Về việc tiêm vaccine, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 9/9 là 7.307.738 trong đó tổng số mũi 1 là 6.335.838, mũi 2 là 971.900, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 809.308.

Chính quyền đang tính từng bước nới lỏng biện pháp chống dịch, phục hồi kinh tế. Quận 7 - địa phương đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh công bố kiểm soát được dịch, sẽ cho 150 loại hình sản xuất, kinh doanh hoạt động lại từ ngày 15/9. Người có "thẻ xanh Covid" được tự do đi lại trên địa bàn.

Hôm qua, công an thành phố thông báo shipper, nhân viên siêu thị, cửa hàng thực phẩm được tăng thời gian lưu thông hàng ngày, từ 5h đến 21h30, thay vì 6h -18h như trước. Người dân quận 7 và Củ Chi được tự đi chợ một lần trong tuần.

Hôm 8/9, dịch vụ ăn uống mang về được khôi phục sau hai tháng tạm dừng. Các cửa hàng được hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày, riêng cơ sở "ba tại chỗ" chỉ bán qua đặt hàng trực tuyến. Các đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học, văn phòng, dụng cụ học tập được mở cửa cùng khung giờ trên. Hai chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn chưa buôn bán, song đã thành nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa, nông sản cung ứng cho nhân dân.

Hà Nội vào "chiến dịch" tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất

Hà Nội đặt mục tiêu, tới ngày 15/9 "phủ" toàn bộ mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên; xét nghiệm diện rộng, tạo cơ hội nới lỏng dần cách ly xã hội. Thủ đô đã nhận được 4,1 triệu liều vaccine. Bộ Y tế đang cố gắng điều các nguồn, tăng nhập khẩu để thành phố thực hiện mục tiêu trên.

Nhận được sự chi viện của gần 4.000 nhân viên y tế các tỉnh thành và nguồn vaccine, Hà Nội đã nâng công suất tiêm lên gấp đôi, mỗi ngày 300.000-330.000 mũi. Ngành y tế thủ đô thiết lập 1.500 dây chuyền tiêm chủng. Các địa bàn được yêu cầu giảm bớt thủ tục hành chính, bố trí nhân lực làm việc toàn thời gian và không giới hạn số người tiêm mỗi buổi.

Từ ngày 9/9, Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vaccine Vero Cell cho người dân trên địa bàn sau khi tiếp nhận 1 triệu liều và thực hiện phân bổ cho các quận, huyện. Số vaccine này được dùng tiêm mũi 1 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên nhưng chưa được tiêm chủng, đồng thời tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định.

Sáng 10/9, qua kiểm tra thực tiễn và nghe Hà Nội báo cáo về công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kỳ vọng đến ngày 15/9, 100% những người trên 18 tuổi ở Hà Nội sẽ được tiêm vaccine.

Kiểm tra thực tiễn tại các điểm tiêm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 ở Hà Nội khá tốt và tương đối nhanh, bài bản. Trong thời gian rất ngắn công suất tiêm của Hà Nội đã đạt hơn 300.000 mũi tiêm/ngày.

"Đây là công suất cao nhất từ trước đến nay, trong thời gian rất ngắn Hà Nội đã đảm bảo tiêm bao phủ, ví như đối với một số phường của thủ đô đã đặt ra mục tiêu đến ngày 12/9 tiêm cho 100 % người dân trên 18 tuổi. Chúng tôi cho rằng, mục tiêu này rất khả quan đối với một số phường. Với một số nơi khác theo kế hoạch Hà Nội cũng giao chỉ tiêu cho các quận huyện và các xã phường.

Chúng tôi hy vọng Hà Nội với vai trò là một đầu tàu về kinh tế, trung tâm chính trị xã hội của cả nước sẽ sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới. Hai mũi giáp công của Hà Nội là đẩy nhanh tiêm chủng và xét nghiệm tầm soát diện rộng thần tốc như vậy là đúng đắn", Bộ trưởng Bộ Y tế nhận xét.

CHU VĂN