Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia, mới đây Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ thuộc Cục Hải quan TP Hải Phòng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý vụ việc vi phạm của Công ty TNHH dịch vụ và thương mại cơ khí PTL về nhập khẩu hàng hóa cấm nhập khẩu là phụ tùng ô tô tải đã qua sử dụng.
Nhập khẩu phụ tùng ô tô tải đã qua sử dụng. Ảnh: Nguyễn Xuân/Ban Chỉ đạo 389
Qua kiểm tra Công ty TNHH dịch vụ và thương mại cơ khí PTL nhập khẩu hàng hóa khai báo tại tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ, hàng hóa theo khai báo là phụ tùng ô tô tải: Bộ cầu chủ động sau xe tải ben có TTLCT từ 1.5 - 5 tấn. Hàng mới 100%; xuất xứ Trung Quốc; số lượng 48 chiếc. Tuy nhiên, sau kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa đã được giám định, kết luận hàng là: Cầu truyền động của xe ô tô, có chiều dài là 1.710 mm và 2.230 mm; đã qua sử dụng.
Đối chiếu với quy định tại Điểm a, khoản 9 phần II, phụ lục I Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương thì hàng hóa nhập khẩu nêu trên của Công ty TNHH dịch vụ và thương mại cơ khí PTL thuộc Danh mục cấm nhập khẩu. Hiện vụ việc đã được lập biên bản vi phạm và tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Đề cập tới phụ tùng ô tô nhập lậu nói chung, theo các chuyên gia về ô tô, hiện nay, việc nhiều chủ xe tự mua phụ tùng để thay thế là điều không hiếm gặp. Những phụ tùng đơn giản như lọc gió, lọc xăng, gạt mưa hay quan trọng hơn như má phanh, đĩa phanh, các thanh liên kết hệ thống treo, cầu truyền động… nếu sử dụng hàng chất lượng thấp sẽ mang lại hậu quả khôn lường trong quá trình vận hành xe.
Cụ thể, nếu dùng má phanh ô tô không chất lượng cho hiệu suất phanh thấp. Việc này tác động trực tiếp đến sự an toàn khi quãng đường phanh dài hơn so với khi sử dụng má phanh chính hãng. Trong khi đó, việc sử dụng má phanh kém chất lượng, giả mạo sẽ nhanh chóng bị ăn mòn vô cùng nguy hiểm.
Cũng giống như má phanh, một chiếc xe sẽ gặp rủi ro an toàn khi lắp phải loại thanh liên kết (rô-tuyn) giả cũng để lại nhiều nguy hiểm. Bởi thanh liên kết có nhiệm vụ kết nối thước lái với bánh trước để truyền động dẫn hướng. Khi chi tiết này bị biến dạng hay nứt gãy, người điều khiển sẽ mất khả năng kiểm soát hướng di chuyển của chiếc xe. Người ngồi trong xe sẽ đối mặt với rủi ro toàn nghiêm trọng, đặc biệt ở tốc độ cao.
Bên cạnh vấn đề an toàn, sử dụng lọc gió chính hãng cũng là điều quan trọng. Lọc gió đảm nhiệm 3 chức năng chính: loại bỏ bụi bẩn trong không khí, giảm độ ồn của động cơ, và tích hợp với cảm biến nồng độ o-xi để điều khiển động cơ vận hành chính xác. Vì thế nếu một chiếc lọc gió giả, kém chất lượng không thể giữ lại bụi bẩn trong không khí hiệu quả.
Điều tương tự cũng xảy ra với các chi tiết như lọc xăng, lọc nhớt, và đây đều là những phụ tùng thay thế định kỳ, có nhu cầu lớn trên thị trường. Nhưng để phát hiện ra đâu là hàng giả, đâu là hàng thật không dễ dàng, ngay cả đối với người trong ngành nhiều kinh nghiệm. Do đó, cách duy nhất mà người dùng có thể tự bảo vệ mình và bảo vệ xe của mình đó là lựa chọn các trung tâm dịch vụ uy tín, được chính hãng ủy quyền.
Người bán hàng nhập lậu có thể bị phạt đến 200 triệu đồng “Hàng hóa nhập lậu” gồm: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng. Theo Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, người có hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị áp dụng hình phạt tiền tùy từng mức độ, có thể lên đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. Bên cạnh đó, nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hoặc hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt con trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi thì có thể bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, tối đa có thể lên đến 200.000.000 đồng. |
An Dương