Nikkei Asia đưa tin số lượng doanh nghiệp ở Thái Lan vỡ nợ trái phiếu đang tăng cao trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) liên tục tăng lãi suất khiến chi phí huy động vốn đắt đỏ hơn. Có không ít doanh nghiệp gặp khó khi không thể tìm kiếm được nguồn vốn cần thiết để trả nợ trong tình hình hiện nay.

Ông Kasem Prunratanamala, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của CGS-CIMB Securities (Thái Lan), cho biết: “Các vụ vỡ nợ trái phiếu gần đây của nhiều doanh nghiệp đã khiến tâm lý chung trên thị trường trái phiếu Thái Lan chùng xuống, khiến giá trị giao dịch sụt giảm”.

JKN Global Group của 'bà trùm hoa hậu' Anne Jakrakutatip vỡ nợ trái phiếu.

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Thái Lan (TBMA), tính đến ngày 31/8, có 7 công ty đại chúng ở Thái Lan trễ thời hạn mua lại trái phiếu với tổng giá trị 541 triệu USD. Con số này thậm chí còn nhiều hơn tổng cộng 6 vụ vỡ nợ trái phiếu trị giá 378 triệu USD của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Thái Lan trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022.

Các doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu tại Thái Lan hoạt động ở nhiều lĩnh vực, từ quản lý tài sản, năng lượng tái tạo, điện tử và cả phát triển bất động sản.

Vụ vỡ nợ trái phiếu gần đây nhất là của JKN Global Group của nữ tỷ phú chuyển giới Anne Jakrakutatip. Theo đó, công ty này đã không thể hoàn trả lô trái phiếu trị giá 12 triệu USD đáo hạn vào ngày 1/9.

Sau khi mua lại quyền điều hành cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ với giá 14 triệu USD vào năm ngoái cũng như lấn sân sang lĩnh vực du lịch và chăm sóc da, JKN Global Group đã rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản và dẫn đến kết cục vỡ nợ trái phiếu.

Lãi suất của Thái Lan đang ở mức cao nhất trong vòng 9 năm qua.

Các vụ vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp Thái Lan phần nào phản ánh nhu cầu tại Thái Lan vẫn còn yếu sau đại dịch Covid-19. Chưa kể, chúng cũng làm giảm niềm tin không chỉ vào ngành tài chính mà còn cả các cơ quan quản lý của Thái Lan.

Ông Terdsak Taweethiratham, Phó chủ tịch của Asia Plus Securities, nhận định trước tình hình hiện tại, các nhà đầu tư sẽ hết sức thận trọng với trái phiếu doanh nghiệp. Điều này sẽ gây khó khăn cho hoạt động phát hành trái phiếu nhằm mở rộng kinh doanh hoặc đảo nợ hiện tại.

“Các tổ chức phát hành trái phiếu và bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp sẽ phải làm việc vất vả kể từ bây giờ vì các nhà đầu tư trở nên rất thận trọng”, ông nói.

Một số nhà phân tích dự đoán các doanh nghiệp Thái Lan sẽ phải huy động vốn bằng cách vay ngân hàng. Thế nhưng, nếu vay ngân hàng, các doanh nghiệp lại phải đối mặt với lãi suất ngày càng tăng, hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 9 năm qua ở Thái Lan.