“Nóng” quảng cáo mỹ phẩm không đúng công dụng, chất lượng
Những năm gần đây, với mức sống ngày càng nâng cao, rất nhiều người tiêu dùng Việt đã sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm để chăm sóc sắc đẹp như một nhu cầu thiết yếu. Sự xuất hiện của nhiều sản phẩm, thương hiệu mỹ phẩm trên thị trường đã đáp ứng nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chính sự đa dạng này kéo theo nhiều hệ luỵ, trong đó có vấn nạn mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Thậm chí, xuất phát từ lợi nhuận cao, một số đơn vị kinh doanh còn tung ra chiêu bài quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng sản phẩm mỹ phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng.
Liên quan tới vấn đề trên, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có Công văn số 7261/QLD-MP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm. Theo Cục Quản lý Dược, hiện có tình trạng kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm trên mạng internet, sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội (Zalo, Facebook…), các sản phẩm mỹ phẩm được rao bán, quảng cáo trên mạng rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ.
Tuy nhiên, bên cạnh sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, có nhiều sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; Quảng cáo sản phẩm không phù hợp tính năng, công dụng đã công bố hoặc vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm.
Vì vậy, để thực hiện tốt công tác kiểm tra hậu mại mỹ phẩm, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn; Tập trung kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thông báo thu hồi mỹ phẩm theo quy định, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng tại địa chỉ đã công bố, doanh nghiệp thay đổi địa chỉ kinh doanh mà không báo cáo với cơ quan quản lý.
Ngoài ra, các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 địa phương, Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường. Trong đó, các đơn vị tập trung kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm online nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; Quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố.
Công ty CP Thương mại và Đầu tư Ngọc An vi phạm quy định quảng cáo?
Mặc dù hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố bị cấm, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những doanh nghiệp làm trái quy định này. Điển hình như trường hợp Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Ngọc An (địa chỉ tại Số 9, 40/6 phố Do Nha, TDP 4, Miêu Nha, P. Tây Mỗ, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội). Người đại diện, Giám đốc của Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Ngọc An là ông Triệu Hồng Ngọc.
Cụ thể, trên website “ngocanvietnam.vn”, bộ sản phẩm mỹ phẩm Ngọc Sơn Đường được quảng cáo “Ngọc Sơn Đường là thương hiệu mỹ phẩm, chăm sóc da uy tín trên thị trường hiện nay với đa dạng các sản phẩm về trị nám, mụn hay các vấn đề về da khác. Điển hình là bộ mỹ phẩm chuyên đặc trị các vấn đề như nám, thâm hay sạm thường xuyên xảy ra với nhiều chị em phụ nữ hiện nay”; “Bên trong sản phẩm có chứa thành phần Aczero, thành phần này có tác dụng trị mụn và làm dịu da, đặc biệt là những nốt mụn viêm, sưng đỏ”;...
Hay bộ mỹ phẩm Walensee được quảng cáo với các từ ngữ như “Thành phần thảo dược có trong viên uống là các bài thuốc được sử dụng từ ngàn xưa, các vị thuốc quý có trong viên uống có tác dụng bổ sung và cân bằng nội tiết...”; Kem dưỡng siêu cấp ẩm Walensee Bio Hydrating Cream có công dụng giúp đưa tinh chất dưỡng và tinh dầu đặc trị vào từng tế bào da, được tích tụ từ từng bước dưỡng kế tiếp”...
Những quảng cáo trên khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm này giống với một loại thuốc có khả năng chữa bệnh nám. Điều này vi phạm quy định tại Thông tư 06/2011/TT- BYT về quản lý mỹ phẩm: “Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt”. Cùng đó, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: “Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo”.
Mặc dù quy định pháp luật là vậy, tuy nhiên, trong văn bản do ông Triệu Hồng Ngọc ký trả lời phóng viên Chất lượng Việt Nam, Công ty CP Thương mại và Đầu tư Ngọc An khẳng định: "Với tất cả những gì đã thực hiện, chúng tôi đảm bảo luôn thực hiện đúng những quy định của pháp luật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong phạm vi của mình".
Công ty cũng cho biết: "Về việc quảng bá các sản phẩm công ty phân phối, chúng tôi luôn có đầy đủ giấy phép do các cơ quan chức năng cấp. Sản phẩm Ngọc Sơn Đường và bộ mỹ phẩm Walensee mà phóng viên đề cập đến có giấy phép do Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế cấp".
Điều này là không chính xác, bởi không có bất kỳ cơ quan chức năng nào cấp phép cho doanh nghiệp quảng cáo mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh.
Website ngocanvietnam.vn chưa đăng ký Bộ Công thương đã đăng bán hàng?
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, website ngocanvietnam.vn hiện chưa đăng ký với Bộ Công thương nhưng đã thực hiện giao dịch về thương mại điện tử. Cụ thể, phóng viên đã tiến hành đặt mua bộ sản phẩm Ngọc Sơn Đường qua website ngocanvietnam.vn và nhận được thông báo đặt hàng thành công.
Thậm chí, không chỉ đăng bán sản phẩm mỹ phẩm, website ngocanvietnam.vn còn đăng bán nhiều sản phẩm khác như: trà gạo lứt, bột gạo lứt giảm cân, viên uống Bioglena, xịt họng keo ong Bioglena Spray... Điều này đã vi phạm quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT, cá nhân, tổ chức lập website kinh doanh phải có trách nhiệm thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công thương tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử www.online.gov.vn.
Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, Công ty CP Thương mại và Đầu tư Ngọc An lại cho biết: "Đây là website không có mục đích bán các sản phẩm Công ty phân phối, vậy nên khi làm thủ tục đăng ký hoạt động, chúng tôi đã không đăng ký với Bộ Công thương theo nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT. Trong quá trình vận hành, công ty cũng có dự định nâng cấp website này để mở rộng hoạt động thương mại nên có thử nghiệm đăng nội dung giới thiệu một số sản phẩm. Hiện nay chúng tôi đã cho rà soát lại một số nội dung của Website này để sớm hoàn thiện cho mục đích mới, trong đó có vấn đề mà phóng viên đề cập đến".
Đáng nói, không hiểu vì lý do gì, sau khi phóng viên liên hệ đặt lịch làm việc thì toàn bộ những thông tin quảng cáo mỹ phẩm, bán hàng trên wesite ngocanvietnam.vn đều "không cánh mà bay"!?
Trước những dẫn chứng nêu trên, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như những doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tòa soạn đề nghị Sở Y tế TP.Hà Nội, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế vào cuộc xác minh, kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu vi phạm (nếu có).