co-lien-quan-1644574843.jpg

Công ty Bình Minh trở thành đơn vị thứ 2 xin bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm.

"Bỏ cọc" đấu giá đất Thủ Thiêm

Cuối năm 2021, dư luận sửng sốt trước kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất ký hiệu 3-12 có diện tích hơn 10.000m2 với mức giá cao ngất ngưỡng là 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá khởi điểm là 2.942 tỷ đồng, trung bình 2,4 tỷ đồng/m2.

Mạnh tay không kém là Công ty Bình Minh trúng đấu giá lô đất ký hiệu 3-9 có diện tích hơn 5.000m2 với số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất là 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm hơn 728 tỷ đồng.

Tính theo đơn giá đất, Công ty Bình Minh sẵn sàng chi ra tới một tỷ đồng cho một mét vuông đất, cao gấp đôi mức giá mà Công ty Dream Republic và Sheen Mega bỏ ra để trúng đấu giá các lô đất ký hiệu 3-5 và 3-8.

Với mức giá “trên trời” này, nhiều người lo lắng rất khó cho doanh nghiệp có dòng tiền thanh toán, đặc biệt là Tân Hoàng Minh. Về lý thuyết, dòng tiền có thể được huy động từ trái phiếu và ngân hàng. Trong khi đó, suốt năm 2020, hệ thống Tân Hoàng Minh đã huy động rất nhiều từ trái phiếu.

Nhưng kênh trái phiếu hứa hẹn bị siết hơn khi cuối năm 2021, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản...

Huy động tiền từ hệ thống ngân hàng cũng không dễ cho các đơn vị tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm vì sau phiên đấu giá, Cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng cung cấp tài liệu về cấp tín dụng cho các chủ thể tham gia đấu giá. Sau thanh tra, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không ngân hàng nào cho 4 đơn vị trí đấu giá đất Thủ Thiêm vay tiền đặt cọc.

Trước hàng loạt thông tin đó, nhiều người cho rằng việc bỏ cọc sẽ diễn ra. Đúng như dự báo, Tân Hoàng Minh là cái tên đầu tiên “rút khỏi cuộc chơi”. Sau đó là Công ty Bình Minh.

Phóng viên Ngày Nay đã liên lạc với bà Thân Thị Liên, Giám đốc Công ty Bình Minh để có thông tin rõ hơn về lý do bỏ cọc. Tuy nhiên, bà Liên từ chối cung cấp thông tin.

hien-truong-1644574891.jpg

Hiện trạng các lô đất Thủ Thiêm

Bất thường Công ty Bình Minh

Trong số 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, Công ty Bình Minh là cái tên khá bí ẩn trên thị trường bất động sản, “tân binh” này vô cùng kín tiếng. Mãi đến khi TP ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá thì thông tin về Công ty Bình Minh mới chính thức được công bố.

Theo đó, công ty này được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0109753805 lần đầu ngày 24/9/2021, trụ sở đặt tại P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ, Hà Nội, do bà Thân Thị Liên (SN 1992) làm Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.

Khi mới thành lập, Công ty Bình Minh có quy mô vốn điều lệ chỉ 100 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là “Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính”. Theo phương án và quy chế đấu giá các lô đất Thủ Thiêm do TP.HCM ban hành, thì với ngành nghề kinh doanh như trên, Công ty Bình Minh chưa đủ điều kiện được duyệt hồ sơ.

Tuy nhiên, đến ngày 3/12/2021, chỉ một tuần trước khi buổi đấu giá diễn ra (ngày 10/12/2021), Công ty Bình Minh bất ngờ thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng, đồng thời thay đổi ngành nghề kinh doanh sang “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.

Và sau đó, Công ty Bình Minh đã có mặt tại buổi đấu giá và giành phần thắng khi đưa ra con số 5.026 tỷ đồng cho lô đất có diện tích 5.009m2.

Thật khó lý giải vì sao một công ty non trẻ, chỉ mới thành lập được khoảng 3 tháng với số vốn đăng ký chỉ 200 tỷ đồng, kinh nghiệm kinh doanh bất động sản ít ỏi lại dễ dàng vượt qua vòng thẩm định hồ sơ đấu giá và sẵn sàng chi ra số tiền khổng lồ 5.026 tỷ đồng (gấp 25 lần vốn điều lệ) để sở hữu lô đất Thủ Thiêm với mức 1 tỷ đồng/m2. Trong khi đó, năng lực tài chính thật sự của Công ty này đến nay vẫn là một bí ẩn bởi thông tin về vốn chủ sở hữu (không áp dụng hình thức bảo lãnh ngân hàng) gần như không tồn tại?!

Một chuyên gia trong lĩnh vực đấu giá đặt nghi vấn: “Vốn chủ sở hữu của Công ty Bình Minh có đáp ứng 20% tổng mức đầu tư dự án hay chưa? Họ có được ngân hàng nào bảo lãnh, cam kết cho vay khi trúng đấu giá không? Công ty có vi phạm Luật đất đai hay không, nghĩa là từng được giao đất mà không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng làm chưa đúng?...

Việc thẩm định hồ sơ đấu giá của các công ty phải đánh giá chính xác từng tiêu chí này. Nếu làm không đúng, không chính xác thì bể là đương nhiên. Bởi việc thẩm định đã chọn không đúng nhà đầu tư có đủ tầm, đủ năng lực thực hiện dự án mà chỉ là chọn người để tham gia đấu giá...”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào tháng 1/2022, Công ty Bình Minh tiếp tục có thay đổi trong nội dung đăng ký kinh doanh. Ngoài một số thông tin liên quan đến người đại diện pháp luật thì phần Chủ doanh nghiệp đã được bỏ trống hoàn toàn.

151-yen-phu-1644574956.png

Hiện tại, đã có 2 đơn vị bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm.

Công ty Bình Minh có liên quan đến BRG?

Theo ghi nhận của phóng viên Ngày Nay, tại trụ sở chính của Công ty Bình Minh ở số 151 phố Yên Phụ, P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ, Hà Nội, thì đây là địa chỉ Phòng giao dịch Sea Bank, một đơn vị trong hệ sinh thái BRG của bà Nguyễn Thị Nga.

Theo dữ liệu của VietTimes, Công ty Bình Minh có mối liên hệ với CTCP Thương mại và Dịch vụ Du lịch Ba Đình, do ông Hoàng Việt Đức làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật.

Điều đáng nói, doanh nhân sinh năm 1976 còn là sếp lớn trong hai đơn vị thuộc hệ sinh thái đồ sộ của Tập đoàn BRG. Cụ thể, ông Hoàng Việt Đức là người đại diện của công ty TNHH Sân gôn Vinacapital Đà Nẵng. Vinacapital Đà Nẵng là thành viên của BRG.

CTCP Thương mại và Dịch vụ Du lịch Ba Đình cũng có địa chỉ tại số 151 Yên Phụ. Công ty này thành lập từ năm 2000. Trong 5 năm gần đây, vốn chủ sở hữu công ty dao động trên dưới 300 tỷ đồng. Hoạt động của công ty không có nhiều nổi bật khi cả doanh thu và lợi nhuận đều ở mức thấp.

Trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu công ty chỉ đạt lần lượt 3 tỷ đồng, 3,7 tỷ đồng, 4 tỷ đồng và 38,8 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2018, 2019 và 2020 đạt 6,2 tỷ đồng, 4 tỷ đồng và 16,1 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý nhất của công ty lại là khoản nợ cao vượt trội. Tại thời điểm cuối năm 2020, dù vốn chủ sở hữu là 318 tỷ đồng nhưng tổng nợ phải trả lên đến 2.885 tỷ đồng, cao gấp 9,1 lần vốn.

Trần Tây Côn - Vân Vân