Đầu năm vừa qua, anh Nguyễn Văn D, làm việc cho công ty liên doanh với nước ngoài, hiện đang thuê nhà ở xã Kim Chung vay với hình thức “bốc họ”. "10 triệu là chủ được 2 triệu, mình chỉ được cầm về 8 triệu. Càng thời gian dài càng chết người vay. Mình đóng 35 ngày rồi, 15 ngày không đóng thì quay lại đóng từ đầu… - anh D giải thích.
Anh Hoàng Xuân Minh làm việc ở KCN Sài Đồng, Long Biên cũng là một nạn nhân của vay tín dụng đen qua app. Anh cho biết: Thủ tục vay rất đơn giản, chỉ chứng minh thu nhập qua tin nhắn chuyển khoản vào điện thoại, sau đó chụp ảnh thẻ ngân hàng và chứng minh nhân dân cho đơn vị cho vay. Trong vòng 3 phút, anh Minh được “giải ngân” 44 triệu, nhưng tính vay 50 triệu vì phải gánh 6 triệu tiền lãi. Quy trình trả nợ được tính đến ngày lương vào tài khoản, anh Minh phải chuyển tiền đến số tài khoản của chủ nợ. Nếu lương không đủ trả, chủ nợ tiếp tục giữ lại thẻ và tính lãi theo giá “phạt”, mỗi ngày thêm 500.000 đồng.
Câu chuyện của anh Minh và anh D không phải cá biệt bởi thực tế, thời gian gần đây lợi dụng việc người lao động gặp khó khăn về tài chính, thời gian qua, các tụ điểm cho vay nặng lãi mọc lên khá nhiều tại các KCN với không ít chiêu thức tinh vi. Các đối tượng cho vay nặng lãi thường dán tờ rơi quảng cáo mời chào vay vốn ở gần các KCN, khu nhà trọ nơi có đông NLĐ sinh sống. Không ít công nhân do gặp khó khăn về tài chính và tin vào những lời mời gọi đường mật đã vay tiền với lãi suất cao. Khi không có khả năng chi trả, họ bị chủ nợ hăm dọa, đánh đập...
Mới đây Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước cho biết, đã đề nghị cơ quan chức năng liên quan vào cuộc điều tra, xử lý vụ việc một cán bộ Công đoàn bị đe dọa, đăng hình lên mạng xã hội vì công nhân vay "tín dụng đen"; đồng thời có biện pháp bảo vệ đối với nữ cán bộ Công đoàn này.
Cụ thể, Theo trình bày của chị T.T.T, cán bộ Công đoàn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn New Apparel Far eastern, ngày 9/5, chị bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một số lạ nói có 2 công nhân làm việc tại công ty vay tiền, yêu cầu chị T.T.T báo công nhân trả tiền cho họ.
Thấy các đối tượng nói chuyện hăm dọa, chị T.T.T không bắt máy. Các đối tượng sau đó gán ghép hình ảnh và thông tin mang tính dựng chuyện sai sự thật để lăng mạ. Đáng nói, các đối tượng ghép hình chị T.T.T với nam công nhân đã vay "tín dụng đen" và dựng chuyện, chị T.T.T gạ gẫm cướp chồng người khác. Các đối tượng sau đó đã dùng hình ảnh và thông tin gán ghép trên rồi vào Facebook của công nhân trong công ty bình luận.
Kết quả khảo sát gần đây do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai cho biết, nạn "tín dụng đen" hoành hành tại các khu công nghiệp trên khắp cả nước, phổ biến ở các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương… Nhiều công nhân là nạn nhân của tín dụng đen, phải vay với lãi suất cao. Lãi mẹ đẻ lãi con, công nhân thành con nợ không có khả năng thanh toán và phải bỏ việc do bị đòi nợ, khủng bố.
Trước thực tế này, nhiều lần Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát đi cảnh báo tới hệ thống công đoàn trên cả nước để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam có hướng dẫn các cấp công đoàn cần tập trung vào việc thực hiện hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó cần chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động như: tiền lương, tiền thưởng, nhà ở; có chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn; hướng dẫn công nhân lao động sử dụng tài chính của bản thân có hiệu quả nhất...
Tiến sĩ Vũ Quang Thọ – nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng: Vay tiền để chi tiêu cá nhân hoặc sử dụng vào những mục đích khác là một nhu cầu tất yếu của bất kỳ người lao động nào.
Tuy nhiên, trước sự lộng hành của "tín dụng đen" thời gian qua, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng. Và tất nhiên, bản thân mỗi người lao động cũng cần tự trang bị thêm cho mình những kiến thức, tránh để trở thành miếng mồi béo bở của “tín dụng đen”./.
Thu Hà/VOV2