TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, Việt Nam là nước huy động vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, tỷ lệ đầu tư trực tiếp nước ngoài trên vốn đầu tư toàn xã hội lên tới 20% và cho đến nay, đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài vào GDP là trên 20%.

Điều này cho thấy, công cuộc cải cách ở Việt Nam, đặc biệt là cải cách về thể chế, cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cũng như thành tựu của Việt Nam về ổn định kinh tế vi mô, ổn định chính trị đã tạo ra sự quan tâm chú ý đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Phần lớn dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo (đây là lĩnh vực có tỷ trọng đóng góp trên 50%, đồng thời là lĩnh vực mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho Việt Nam). Khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp tới 70% kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ này ngày càng tăng.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng bắt đầu phát triển ở một số lĩnh vực khác, như bất động sản, du lịch, tài chính - ngân hàng và bán lẻ. Đặc biệt, doanh nghiệp có vốn ngoại dường như giữ vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ bán lẻ.

Phần lớn dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo.

“Tuy nhiên, dưới con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để thu hút và giữ chân nhà đầu tư. Đặc biệt là thu hút những khoản vốn nổi trội về công nghệ, chất lượng”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá tốt, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, thủ tục pháp lý ngày càng thuận lợi và minh bạch.

Nhưng khó khăn lớn nhất khi đầu công nghệ cao là chất lượng nguồn nhân lực.

Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là nguồn nhân lực dành cho ngành khoa học dữ liệu, quản lý dữ liệu, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo và marketing.

“Việt Nam muốn đón nhận hiệu quả từ đầu tư nước ngoài cho nền công nghiệp của mình thì việc đào tạo nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng. Thay vì chỉ là chuyện thu ngân sách hay lấp đầy khu công nghiệp, Việt Nam cần tranh thủ dòng vốn đầu tư nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đây là vấn đề thời sự, không chỉ là câu chuyện thu hút nguồn vốn, mà còn là sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai”, ông Nghĩa chỉ rõ.

Cũng theo ông Nghĩa, đầu tư nước ngoài là một trong những lực lượng tiên phong trong kinh tế xanh, kinh tuần hoàn.

Một số công nghệ mới an toàn cho môi trường đang được các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam và chính các nhà đầu tư nước ngoài cũng chịu sức ép của kinh tế xanh từ thị trường thế giới.

Ví dụ, theo quy định của châu Âu, các nhà máy luyện thép không gỉ sẽ không thể xuất khẩu hàng đến thị trường này nếu không sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch, dù đây là dự án của các doanh nghiệp châu Âu.

Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, cần quan tâm việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tạo điều kiện để doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây chính là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với Chính phủ, cần có những định hướng và chiến lược rõ ràng hơn về phát triển cấu trúc kinh tế, như lĩnh vực nào ưu tiên cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lĩnh vực nào ưu tiên thị phần cho doanh nghiệp Việt.

“Ở một góc độ khác, về lâu dài, để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển công nghiệp nội địa phải là định hướng chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam”, ông Nghĩa khuyến nghị.