TS. David Gray
Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ giảm khoảng 4,9% và sẽ hồi phục trở lại vào năm 2021 với tăng trưởng dương ở mức 5,4%, nhưng cũng chỉ đủ để bù lại những gì đã mất trong năm 2020, theo TS. David Gray, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế, Đại học Lincoln.
Trong ý kiến chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, TS. David Gray nhấn mạnh:
"Các Ngân hàng Trung ương và Chính phủ các nước đã cố gắng tìm giải pháp để hóa giải những hậu quả xấu nhất của virus. Ngân hàng Trung ương các nước đã và đang đồng loạt bơm tiền chống Covid-19. Theo tính toán của Ngân hàng Mỹ (Bank of America), cứ mỗi giờ trôi qua, các Ngân hàng Trung ương lại dùng 1,3 tỷ USD để mua tài sản và tiếp tục điều chỉnh giảm các loại lãi suất.
Tại Anh, bắt đầu từ tháng 3/2020, các chương trình hỗ trợ khẩn cấp đã chi trả 80% lương của người lao động phải tạm thời nghỉ việc do dịch Covid-19, và sẽ tiếp tục thực hiện đến tháng 4/2021.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã ký một gói chi tiêu và cứu trợ kinh tế có tổng trị giá 2.300 tỷ USD trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trong tháng vừa qua, trợ giúp những người thất nghiệp, mặc dù gói hỗ trợ này không rộng rãi như tại châu Âu. Một trong những vấn đề của chi tiêu chính sách tài khóa là GDP giảm nhưng gánh nặng nợ tăng. Do vậy, tỷ lệ nợ đã vượt quá mức 100% ở Anh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại không phải lúc để lo ngại. Bởi cách tiếp cận này sẽ giúp mọi người làm việc trong bối cảnh đại dịch và chờ đợi vắc xin, còn nợ thì có thể trả trong những năm tiếp theo. Điều tích cực với việc vay nợ hiện tại là việc trả lãi không quá nhiều, do lãi suất đang ở mức thấp.
Anh và Mỹ dự tính áp dụng chính sách lãi suất âm để vực dậy nền kinh tế sau khi bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Về lý thuyết, lãi suất âm sẽ giúp tăng cho vay, nhưng các ngân hàng không sẵn sàng tính phí gửi tiền cho những người tiết kiệm ít tiền. Nếu quyết theo đuổi chính sách lãi suất âm thì các ngân hàng sẽ gặp phải vấn đề bất lợi vì lãi suất cho vay sẽ thấp hơn trong khi lãi suất huy động chắc sẽ khó thấp hơn không.
Theo một báo cáo của tổ chức tư vấn tài chính lớn tại Anh mang tên Begbies Traynor, khó khăn trong kinh doanh của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khách sạn, lữ hành, nhà hàng và nghỉ dưỡng đã lên tới mức báo động. Nhiều công ty bán lẻ lớn bị phá sản gần đây, rồi sẽ nhanh chóng lan sang lĩnh vực bất động sản cho thuê và cuối cùng hậu quả sẽ là khu vực ngân hàng thương mại. Bởi vậy, ngân hàng thương mại dường như sẽ hạn chế cho vay trong tương lai gần khi e ngại về tỷ lệ vỡ nợ gia tăng.
Đối với Việt Nam, hàng loạt cơ hội từ các thỏa thuận thương mại trong năm 2021, do Việt Nam đã ký thỏa thuận thương mại với Anh, thỏa thuận thương mại với châu Âu và đã có hiệu lực, Việt Nam cũng đã tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP). Điều này cho thấy Việt Nam đang ngày càng mở cửa, hướng tới tự do thương mại và sẽ thu hút thêm nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Chúng ta cũng có thể nhận thấy nhiều thay đổi trong Luật Đầu tư nước ngoài và cũng những các chuẩn mực mới về doanh nghiệp và người lao động. Do vậy, kỳ vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội giao thương giữa Việt Nam với Anh Quốc, cũng như với châu Âu thời gian tới.
Nhìn chung, tôi cho rằng, nước Anh sẽ tăng trưởng chậm lại trong khi Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Cũng có thể các dòng tiền "nóng" từ các nhà đầu tư trên thế giới sẽ tìm tới thị trường tài sản Việt Nam. Nhưng hậu quả sẽ là bong bóng tài sản có thể sẽ diễn ra. Nhưng với thị trường đang tăng trưởng như Việt Nam, đó rất có thể là cái giá phải trả cho sự thành công".
VnEconomy