Ngày 6/11, LBMA đã gửi thư tới các quốc gia có mức độ giao dịch vàng lớn, theo đó đưa ra các tiêu chuẩn mà vàng giao dịch phải đáp ứng đủ, như đó không phải là vàng để nơi cung cấp vàng rửa tiền, nếu không sẽ bị đưa vào 'danh sách đen'.

Đây là lần đầu tiên LBMA có động thái quyết liệt trong nỗ lực giải quyết vấn nạn sản xuất và kinh doanh vàng bất hợp pháp hoặc phi đạo đức - đã cản trở triển vọng ngành kinh doanh vàng thỏi ở một trung tâm tài chính lớn.

Bức thư LBMA không nhằm cụ thể vào bất kỳ trung tâm hay mục tiêu nào, nhưng theo thông tin từ Reuters thì các nhà soạn thảo bức thư này cho biết ngành công nghiệp vàng ở Dubai của UAE là trọng tâm chính.

Ngoài UAE, thư còn được gửi tới Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Singapore, Nam Phi, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Mỹ - tất cả đều được LBMA xác định là các trung tâm vàng lớn.

Một nguồn tin cho hay: "Sáng kiến này xuất phát từ việc có những vấn đề nghiêm trọng ở Dubai", và "Nếu xác định có gian lận trong vấn đề này thì từ năm tới các cơ sở tinh luyện vàng sẽ không thể được lấy nguồn vàng từ Dubai".

LBMA là một tập đoàn thương mại chứ không phải một cơ quan nhà nước, nhưng có tác động lớn đến thị trường bởi các ngân hàng quốc tế lớn thống trị hoạt động kinh doanh vàng thường chỉ giao dịch với vàng của các cơ sở tinh luyện được LBMA công nhận.

UAE là một trong những trung tâm vàng lớn nhất thế giới, xuất khẩu vàng thỏi trị giá hàng tỷ USD cho các cơ sở tinh luyện vàng được LBMA công nhận mỗi năm. Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF), một cơ quan giám sát chống rửa tiền liên chính phủ, đã chỉ trích các biện pháp kiểm soát của họ, cũng như các tổ chức phi chính phủ (NGO).

Một cuộc điều tra của Reuters năm ngoái cho thấy vàng buôn lậu trị giá tới hàng tỷ USD đã đến Dubai từ châu Phi, phần lớn được khai thác bởi những người lao động thủ công thường làm việc trong điều kiện khó khăn. Sau khi đến được UAE thì vàng sẽ được hòa vào thị trường vàng toàn cầu.

Chính phủ và Liên hợp quốc trước đây đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quốc gia như Venezuela hoặc đối với các cá nhân và công ty ở các quốc gia bao gồm CHDC Congo, nơi vàng được sử dụng để tài trợ cho các cuộc xung đột.

Các giao dịch tiền mặt cũng phổ biến ở UAE và FATF hồi tháng 4 cho biết quốc gia này đã không hành động mạnh mẽ đủ để ngăn chặn nạn rửa tiền.

Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế của quốc gia vùng Vịnh này cho biết: "UAE chắc chắn sẽ xem xét các vấn đề mà LBMA đưa ra sau khi nhận được lá thư".

"UAE nhận ra tầm quan trọng của ngành công nghiệp vàng và đang phát triển các cơ chế kiểm soát ngày càng mạnh mẽ để giải quyết những thách thức do tội phạm tài chính mang lại". Năm 2018, UAE đã thông qua Luật chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đã hợp tác với Mỹ để trừng phạt với các nhóm Hồi giáo cực đoan. Bộ Ngoại giao UAE cho biết họ sẽ tăng cường hơn nữa khuôn khổ pháp lý cho vấn đề này.

Trung tâm Hàng hóa Dubai (DMCC), một cơ quan chính phủ đặt ra các tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp vàng và công nhận một số cơ sở luyện vàng, từ chối bình luận.

UAE có hơn 10 nhà máy luyện vàng, hầu hết trong số này đều thiếu các chính sách về minh  bạch xuất xứ nguồn cung.

Vân Chi (Tham khảo Reuters)

Theo Nhịp sống kinh tế

Link nguồn: https://cafef.vn/co-quan-quan-ly-thi-truong-vang-co-tam-anh-huong-nhat-toan-cau-doa-dua-uae-va-cac-trung-tam-khac-vao-danh-sach-den-20201112164100053.chn