Khánh Hòa: Dân không hợp tác, đền bù dự án Vega City gặp khó khăn

Dự án Vega City được hưởng cơ chế đặc biệt, nhà nước đứng ra thu hồi đất cho doanh nghiệp, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong phương án bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng, do người dân không hợp tác.

Khó khăn trong việc đền bù, giải toả

Ngày 6/11/2020, UBND tỉnh Khánh Hoà có văn bản số 506/UBND-XDNĐ thông báo kết luận Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân về việc nghe báo cáo tiến độ và điều chỉnh dự án Champarama Resort & Spa (tên thương mại là Vega City) tại phường Vĩnh Hoà, thành phố Nha Trang.

Văn bản này cho biết, ngày 29/10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tiến độ và điều chỉnh dự án Champarama Resort & Spa. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Tài; lãnh đạo, đại diện các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan và Công ty Cổ phần Vega City.

Sau khi nghe Công ty Cổ phần Vega City báo cáo tiến độ thực hiện dự án tại văn bản số 68/2020/BC-Vega ngày 29/10/2020, Sở Kế hoạch – Đầu tư báo cáo nội dung điều chỉnh dự án tại văn bản số 3734/SKHĐT-DN ngày 20/10/2020, ý kiến của các thành viên dự án; ông Nguyễn Tấn Tuân thống nhất chủ trương cho Công ty Cổ phần Vega City thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án theo báo cáo và đề nghị của Sở Kế hoạch – Đầu tư.

Vega City là dự án hiếm hoi không bị thu hồi, trong hàng loạt dự án lấp vịnh Nha Trang

Liên quan đến thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng, theo báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư tại văn bản số 3734/SKHĐT-DN, ngày 20/10/2020, khu C dự án Champarama Resort & Spa có diện tích 15,61 ha. Khu này đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng và nhà đầu tư đã được UBND tỉnh Khánh Hoà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ phần diện tích này.

Khu B có diện tích khoảng 28,6 ha, đã giải phóng được khoảng 10,6 ha, hoàn thiện thủ tục kiểm đếm, lập hồ sơ kỹ thuật, được phê duyệt 265/373 thửa đất. Tuy nhiên, còn 108 thửa chưa đo đạc, kiểm đếm được, do người dân không chịu hợp tác, gây khó khăn trong công tác đo đạc và xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do vậy, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên – Môi trường phối hợp với các đơn vị và chủ đầu tư xem xét lại việc giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư liên quan.

Nguy cơ “lợi ích nhóm”, Tỉnh ủy yêu cầu không để dân khiếu kiện

Dự án Vega City đã trải qua nhiều lần thay tên, đổi chủ nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc đền bù giải tỏa và tái định cư cho người dân. Một trong những khó khăn vướng mắc chính là việc nhiều người dân cho rằng đây là dự án dịch vụ kinh doanh nên phải để chủ dự án thỏa thuận với người dân.

Về vấn đề này, tại thông báo số 646-TB/TU ngày ngày 28/2/2020, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hoà cũng lưu ý yêu cầu thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, tránh phát sinh khiếu kiện.

Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài Tại sao chính quyền Khánh Hoà thu hồi đất dân giao cho dự án Vega City?, trả lời báo chí về những trường hợp Nhà nước áp dụng cơ chế thu hồi đất, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng điều này được quy định trong Hiến pháp. Đó là, những trường hợp đất đai sử dụng cho quốc phòng, an ninh, phát triển vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng. Trong Luật Đất đai 2013 định nghĩa khá rõ thế nào là đất quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng nhưng vế thứ 2, cụm từ “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia” thì hoàn toàn không có định nghĩa.

GS Võ phân tích, một khái niệm được đưa ra trong Luật Đất đai 2013 mà không định nghĩa thế nào là “lợi ích quốc gia” - đây là vấn đề. Nếu đối chiếu với Luật Đất đai 2003 thì thấy ở đây định nghĩa rất rõ khái niệm thế nào là đất sử dụng cho lợi ích quốc gia: Đất xây dựng các trụ sở của cơ quan Nhà nước, đất sử dụng phục vụ các dịch vụ công của Nhà nước, các nội hàm rất rõ ràng. Nhưng trong Luật Đất đai 2013 thì khái niệm này không được định nghĩa.

Nếu áp dụng ngay định nghĩa về “lợi ích quốc gia” của Luật Đất đai 2003 thì rất nhiều loại dự án ở trong quy định của Điều 62 Luật Đất đai 2013 là không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất.

“Chính vì sự không rõ ràng trong Điều 62, các dự án phát triển kinh tế - xã hội có thể gắn được mác “lợi ích quốc gia”. Việc thu hồi giải phóng mặt bằng từ cơ chế tự thỏa thuận với người dân sang cơ chế Nhà nước thu hồi, tiền đền bù giải phóng mặt bằng thấp hơn rất nhiều”, GS Võ nói.

Giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, nhưng vấn đề lợi ích giữa người bị thu hồi đất và những doanh nghiệp nhận được đất cần được cân đối hài hòa. Thu hồi đất nông nghiệp giao cho doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất sang sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ... lợi nhuận được tạo ra từ chuyển đổi sử dụng đất này người dân không được hưởng, dẫn đến những bất đồng, mâu thuẫn về lợi ích kinh tế.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đề nghị cần phải định nghĩa rõ khái niệm “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, giúp xác định đúng các trường hợp áp dụng theo cơ chế này.

Bên cạnh đó, khi liệt kê danh sách các trường hợp thu hồi đất theo mục đích đặt ra, cần giải thích rõ các khái niệm trong danh sách đó, nhằm bảo đảm hiểu đúng và thống nhất, giúp phân loại chính xác các dự án phát triển kinh tế - xã hội cho mục đích quốc gia, công cộng.

Bài 4: Siêu dự án Vega City mọc lên từ điểm nóng lấp vịnh Nha Trang