Sở Quy hoạch - Kiến trúc "không dám" nhận hồ sơ
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), từ năm 2015, đơn vị này đã có nhiều văn bản phản ánh về ách tắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết và lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, xen cài đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.
Trong khoảng 3 năm gần đây, UBND TP đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư cho khoảng 130 dự án có quỹ đất hỗn hợp, nhưng đang bị coi là vẫn chưa đảm bảo đúng các thủ tục hành chính, gây khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư dự án.
Cụ thể, tất cả các đề xuất quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của các dự án nhà ở thương mại đều bị "ách tắc", do Sở Quy hoạch - Kiến trúc "không dám" nhận hồ sơ của "nhà đầu tư" mặc dù đã có "quyết định chủ trương đầu tư" của UBND TP. Nguyên nhân là do việc này "trái" với khoản 7 điều 19 Luật quy hoạch đô thị quy định "chủ đầu tư" mới là người đề xuất đồ án quy hoạch chi tiết.
Vì vậy, HoREA ngày 20/7/2019 đã có văn bản số 72/2019/CV- HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, thay thế từ "chủ đầu tư" bằng từ "nhà đầu tư" hoặc cụm từ "chủ đầu tư, nhà đầu tư, người sử dụng đất" vào khoản 7, điều 19, Luật Quy hoạch đô thị, để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ với Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật xây dựng, Luật nhà ở.
Tại văn bản số 87/2020/CV- HoREA ngày 29/8/2020 về việc kiến nghị UBND TP.HCM sớm ban hành quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại, HoREA cũng cho biết, ngày 10/8/2020, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cũng đã có văn bản gửi UBND TP.HCM về những bất cập giữa Luật Quy hoạch đô thị và Luật Đầu tư trong việc xác định chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Trong đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nêu ý kiến: “Hiện nay, Luật Đầu tư năm 2020 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã được Quốc hội thông qua, tuy nhiên, các luật này có hiệu lực để triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2021”.
HoREA nhận định, văn bản này "có hàm ý" rằng phải đến ngày 31/12/2020 vẫn phải thực hiện theo các quy định của Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Đầu tư 2014, Luật Nhà ở 2014. Thế nên, từ lúc kiến nghị đến ngày 31/12/2020, Sở Quy hoạch – Kiến trúc có thể không nhận giải quyết hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của nhà đầu tư, mặc dù đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP, vì quyết định này ghi tên “nhà đầu tư”, chứ không phải “chủ đầu tư”. Điều này dẫn đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp trên địa bàn TP.HCM có thể tiếp tục bị ách tắc.
Nhiều dự án ở quận 7 được hưởng cơ chế “đi tắt đón đầu”
Trong khi HoREA mòn mỏi kiến nghị giải quyết ách tắc cho các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, quận 7 đã “đi tắt đón đầu” nhiều năm trước khi phê duyệt quy hoạch 1/500 cho dự án Khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, quận 7.
Cụ thể, ngày 19/1/2018, Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình (ông Bình hiện đang là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) ký Quyết định số 276/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ (tên thương mại Green Star Sky Garden) cho Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát với quy mô 5,2ha.
Tuy nhiên, gần 3 tháng sau, đến ngày 3/4/2018, UBND TP.HCM mới có quyết định số 1280/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký, về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư và chấp thuận chấp thuận đầu tư dự án Green Star Sky Garden.
Trước đó, như Reatimes đã phản ánh trong bài: TP.HCM tiếp tục “giải cứu” dự án vướng đất công ở quận 7, Green Star Sky Garden là 1 trong 2 dự án ở quận 7 đã được giải quyết thủ tục theo kiểu “đi tắt đón đầu”, trong thủ tục giao đất, cho thuê đất công cho doanh nghiệp.
Cụ thể, ngày 6/7/2021, UBND TP.HCM đã cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát sử dụng đất để thực hiện dự án Green Star Sky Garden, tại phường Phú Mỹ, quận 7. Dự án có hơn 7.000m2 đất công “xen cài” và gây xôn xao dư luận một thời gian xung quanh việc xây dựng 110 căn nhà phố.
Ngoài ra, Đức Long Golden Land (tên khác là Sunshine Apartment hay Dragon Court), phường Tân Thuận Tây, quận 7, cũng được giao 6.641,1m2 đất công trong tổng diện tích dự án 11.000 m2.
Được biết, ngày 31/8/2017, UBND quận 7 có công văn 4686 gửi Sở Tài nguyên - Môi trường xác nhận diện tích đất có nguồn gốc đất công do Nhà nước quản lý trong dự án là 6.641,1m2.
Ngày 30/11/2017, UBND quận 7 có công văn 6531 gửi Sở Tài nguyên – Môi trường. Công văn này thông tin phần diện tích đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trong dự án là 6.962,9m2. Tuy nhiên hiện nay, UBND quận 7 không có nhu cầu sử dụng diện tích đất nêu trên. Do vậy, việc Công ty Vạn Gia Long - chủ đầu tư dự án xin sử dụng để thực hiện dự án là đúng theo kế hoạch sử dụng đất năm 2017 được UBND TP.HCM phê duyệt.
Ngày 27/10/2017, UBND TP.HCM có quyết định 5733 chấp thuận cho Công ty Vạn Gia Long được sử dụng phần đất trên để thực hiện dự án. Qua đó, giao Vạn Gia Long sử dụng 6.641,1m2 đất do Nhà nước quản lý để thực hiện dự án. Hình thức, thời hạn sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng là 50 năm.
Mặc dù 2 dự án ở quận 7 đã được giao đất công xen cài không qua đấu giá, nhưng đến nay, đây vẫn là vấn đề đau đầu của nhiều doanh nghiệp, vì chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể cho Nghị định 148/2020/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 8/2/2021), về xử lý đối với phần đất công xen kẹt trong các dự án. HoREA nhiều lần kiến nghị vấn đề này nhưng chưa có kết quả.