Giành quyền nuôi con - “nội chiến” chưa hồi kết
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án. Mọi cuộc ly hôn không chỉ là sự “khủng hoảng” giữa các cặp vợ chồng mà nó còn liên quan đến những người xung quanh, đặc biệt là các trẻ nhỏ.
Theo báo cáo của ngành Tòa án, năm 2023, toàn hệ thống giải quyết được hơn 600.000 vụ việc, trong đó TP HCM chiếm hơn 60.000 vụ, tương đương 10% tổng số án cả nước. Riêng về án hôn nhân và gia đình, trong năm 2023, TAND 2 cấp ở TP HCM đã thụ lý đến 25.882 vụ việc, giải quyết 24.923 vụ, đạt 96,29%.
Nếu nhìn vào mặt bằng chung hiện nay, số vụ ly hôn ở nước ta đang có dấu hiệu tăng nhanh qua các năm. Thống kê của ngành Tòa án cho thấy: Vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động trong năm 2023, các tòa án đã thụ lý 468.828 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 408.070 vụ, đạt tỷ lệ 87,04%. So với năm 2022, số vụ thụ lý tăng 24.426 vụ; giải quyết, xét xử tăng 21.126 vụ.
Quyết định ly hôn của cha mẹ, ít nhiều sẽ khiến con cái bị tổn thương và cảm thấy mất mát về mặt tinh thần (Ảnh minh họa) |
Thực tế, thống kê của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. Trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%. Tất cả những khủng hoảng kể trên đều dẫn đến kết cục ly hôn khi không thể tìm được hướng giải quyết.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi cha mẹ ly hôn, nhiều trẻ rơi vào tình trạng hoảng loạn, lo sợ bị bỏ rơi, phải sống với bố mà thiếu mẹ hoặc ngược lại. Chưa kể, trước khi ly hôn, mâu thuẫn gia đình bao giờ cũng sẽ xảy ra và trẻ đã phải sống trong bầu không khí gia đình không hòa thuận trong một thời gian dài. Tiếp đến lại sống trong cảnh gia đình ly tán, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hàng ngày của trẻ như: Nếp ăn, ngủ, nghỉ, sinh hoạt, học tập; thậm chí, ảnh hưởng tới tâm lý, kết quả học tập của các em và những di chứng về sau.
Sự việc dưới đây là một minh chứng cho những cuộc hôn nhân đỗ vỡ do người lớn mang lại nhưng hậu quả thì con cái lại là người phải gánh chịu nhiều nhất. Cụ thể, đó là lần phóng viên chứng kiến phản ứng của một đứa trẻ dù chỉ mới hơn 4 tuổi nhưng tỏ ra rất hiểu chuyện. Khi được hỏi con muốn ở với ai khi cha mẹ không sống chung thì bé vui vẻ, hồn nhiên trả lời là chỉ muốn ở với ba, ngủ với ba, dù trước đó bé từng có thời gian chung sống cùng cả ba lẫn mẹ.
Cụ thể, ông H.Đ và bà M.T đăng ký kết hôn từ năm 2016. Thời gian đầu, hai vợ chồng chung sống với nhau hạnh phúc nhưng sau đó thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm sống nên không thể chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau, dẫn đến không tìm được tiếng nói chung trong hôn nhân. Ông Đ sau đó yêu cầu ly hôn với bà T.
Hai người có một con chung là bé M.K (sinh năm 2019). Khi ly hôn, ông Đ yêu cầu được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và không yêu cầu bà T cấp dưỡng nuôi con chung. Bà T đồng thuận ly hôn nhưng vẫn muốn được giành quyền nuôi con.
Quá trình xét xử, TAND cấp sơ thẩm nhận định: Xét về điều kiện chăm sóc, giáo dục con chung, ông Đ và bà T có điều kiện như nhau. Tuy nhiên, do bé M.K còn nhỏ nên cần sự chăm sóc trực tiếp từ người mẹ. Do đó, HĐXX quyết định giao con chung cho bà T trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục.
Sau phiên tòa, một luật sư đã chia sẻ với phóng viên rằng: "Tôi là người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn nhưng thực chất là bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho cháu K. Trong vụ việc này, hiện tại cháu M.K đang quen sống vui vẻ, ổn định với cha, đáp ứng mọi điều kiện về kinh tế, ăn, học, chăm sóc… Cho nên, nếu có bất kỳ một sự thay đổi, xáo trộn nào cũng sẽ làm cho bé bị hụt hẫng, mất cân bằng và hoàn toàn không tốt cho sự phát triển bình thường, toàn diện của trẻ".
Vị luật sư này cho rằng, vì quyền lợi tốt nhất của trẻ nhỏ nên giao bé M.K cho ông Đ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho đến khi bé trưởng thành.
Hiện ông Đ đã có đơn kháng cáo và vụ việc đang được TAND TP HCM thụ lý, xét xử theo quy định.
Có thể thấy, câu chuyện ly hôn và giành quyền nuôi con giữa ông Đ và bà T chỉ là một trong số nhiều vụ việc điển hình của nhiều gia đình hiện nay. Dù có giao quyền nuôi con cho ai thì bé M.K vẫn là người chịu thiệt. Nếu ở cùng cha thì thiếu vắng mẹ, ở cùng mẹ thì thiếu vắng cha. Chính vì vậy mà câu chuyện giành quyền nuôi con vẫn luôn là “điểm nóng” của các vụ án ly hôn mà chưa có hồi kết.
Lựa chọn nào tốt cho trẻ khi cha mẹ ly hôn?
Liên quan đến câu chuyện về tranh chấp quyền nuôi con, theo luật sư Trịnh Thị Phương Phi - Giám đốc Công ty Luật TNHH Một thành viên Tâm Thanh cho biết: Khi đã xác định tình cảm không còn, mục đích hôn nhân không đạt được thì vợ chồng quyết định ly hôn. Và hơn ai hết, người phải chịu thiệt thòi, tổn thương nhất là những đứa con. Do đó, cách lựa chọn giải quyết mâu thuẫn của cha mẹ sẽ cần phải hạn chế tối đa những tổn thương, những thiệt thòi cho con.
Mọi cuộc ly hôn đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến các con trẻ, bao gồm những cảm giác mất mát và lo âu trước sự tan vỡ (Ảnh minh họa) |
Theo luật sư Phi, lựa chọn ly hôn trong hòa bình, tự thỏa thuận được với nhau về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của người kia khi chăm nom, dạy dỗ, định hướng phát triển cho con là lựa chọn văn minh mà luật sư hay các cơ quan pháp luật đều khuyên và mong muốn các cặp vợ chồng khi quyết định ly hôn nên áp dụng.
Tuy nhiên, phần lớn vụ việc khi dẫn đến phải ly hôn, vợ hoặc chồng thường tìm mọi cách để gây căng thẳng, đau khổ cho nhau, trừng phạt nhau vì cho rằng đối phương có lỗi làm cho hôn nhân tan vỡ, trong đó đau lòng nhất vẫn là việc tranh chấp nuôi con chung.
Luật sư Phi cho rằng, lý do thì nhiều nhưng có thể vì quá yêu thương, lo lắng cho con; vì cho rằng nửa kia không đủ điều kiện về vật chất, sức khỏe, thậm chí còn tìm mọi cách để hạ thấp phẩm giá của đối phương để được dành quyền trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc con.
Hoặc cũng có trường hợp do quá đề cao cái tôi của mình mà giành quyền nuôi con cho bản thân nhưng thực chất chỉ nhằm mục đích muốn “trừng phạt” đối phương; hoặc vì một số lý do như tác động của gia đình, người thân hoặc do đối phương gây khó khăn, cản trở việc thăm nom con; thậm chí, không loại trừ có trường hợp dùng quyền nuôi con để nhằm đạt mục đích về kinh tế… chứ thực chất không thật sự quan tâm đến nhu cầu cũng như quyền lợi tốt nhất của con.
Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp tranh chấp nuôi con mà cả hai bên đều có đủ điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần, đều chứng minh mình có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt hơn đối phương mà không quan tâm đúng mức nhu cầu tình cảm, lợi ích thực sự của con, dẫn đến tranh chấp kéo dài, gây khó khăn, tổn thương cho cả đôi bên, đặc biệt là con cái.
“Quyền được hưởng những gì tốt nhất để phát triển toàn diện của trẻ không chỉ cha mẹ mới có quyền và nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn và của toàn xã hội. Do vậy, cả cha, mẹ khi tranh giành quyền nuôi con hãy quan tâm đúng mức đến nhu cầu tình cảm, lợi ích thực sự của con để bớt cái tôi hiếu thắng của mình nhằm tránh tranh chấp kéo dài, gây khó khăn, tổn thương cho cả đôi bên và con cái”, luật sư Phi nói.
Cũng theo luật sư Trịnh Thị Phương Phi, trong từng tình huống, luật sư là người được mời bảo vệ quyền lợi nên giải thích rõ cho khách hàng hiểu về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con khi trực tiếp nuôi dưỡng để các bên hiểu đúng, hiểu rõ về qui định của pháp luật cũng như vì quyền chính đáng, tốt nhất của con chứ không phải vì nhu cầu chiếm hữu con để gây khó khăn cho đối phương. Còn tòa án là cơ quan có thẩm quyền phán quyết cũng cần xác định tính khách quan, toàn diện của các chứng cứ, lý lẽ do các bên nêu ra; khi cần có thể trực tiếp xác minh, thu thập chứng cứ để có phát quyết khách quan, đảm bảo tốt nhất về mọi mặt của con, vì sự phát triển toàn diện về vật chất, tinh thần của con.
Luật sư Phi nhấn mạnh, khi hai bên không thể thương lượng, hòa giải được thì tòa án cần căn cứ vào tính ổn định, phát triển tốt về mọi mặt hiện có của con để giao con cho người đang trực tiếp nuôi được quyền trực tiếp nuôi con, tránh sự xáo trộn môi trường sống, sinh hoạt hiện tại của con.