Tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán của Trường ĐH Đồng Tháp vào năm 2008, cô Tâm (sinh năm 1986) được Sở GD&ĐT tỉnh phân công về Trường THPT Tân Thành (xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp), thuộc vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp. Điều kiện dạy và học của trường còn nhiều khó khăn. Học sinh đa số là con em gia đình nghèo. Thương học trò nơi đây, cô Tâm nguyện gắn bó lâu dài với ngôi trường, với học sinh và tận lực hỗ trợ các em đến trường.
Thế nhưng, tai nạn giao thông đã ập đến với cô Tâm vào tháng 8/2009, khi đang trên đường vận động học sinh ra lớp. Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật kéo dài, chạm vào ống quần bên trái trống trơn, cô Tâm sốc nặng và suy sụp hoàn toàn. Rồi từng bước cô tự động viên mình vượt qua nghịch cảnh. Suốt 5 tháng sau tai nạn, cô tự tập đi với một bên chân giả, dù đau đớn, chuột rút nhưng với nghị lực mạnh mẽ, cô dần thành thục và trở lại với cuộc sống thường nhật.
Trước sự quyết tâm và lòng yêu nghề của cô Tâm, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp đã tạo điều kiện cho cô chuyển công tác về TP Cao Lãnh, làm việc tại Trường THPT Thiên Hộ Dương gần nhà. Lúc về trường mới, cô được phân công làm nhân viên văn phòng. Mấy tuần sau, không chịu nổi cảm giác nhớ nghề, cô đến gặp ban giám hiệu xin được đi dạy dù chỉ là một lớp. Nhà trường đã tạo điều kiện cho cô đứng lớp. Tuy vậy, bấy giờ cũng có ý kiến không đồng thuận với việc giao cho cô giáo khuyết tật đứng lớp và cô đã phải rất nỗ lực để khẳng định sự trở lại bục giảng của mình…
“Khi đi lại vững vàng rồi, tôi bắt đầu vượt qua nỗi mặc cảm bằng cách ra công viên tập thể dục, chơi đánh cầu, nhảy dây… Trong nhiều ánh mắt đồng cảm, không ít lần tôi bắt gặp những ánh mắt ái ngại, nhưng điều đó càng làm tôi nỗ lực hơn trong việc hòa nhập với cộng đồng”, cô Tâm bộc bạch.
Hiểu rõ nỗi đau, sự khó khăn của một người khuyết tật và bản thân cũng có kinh nghiệm trong việc vượt qua mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống, nên suốt những năm qua, ngoài những giờ đứng trên bục giảng, cô Tâm còn dành thời gian để quan tâm những người “bỗng dưng” gặp tai nạn như mình. Cô thành lập nhóm thiện nguyện Nhất Tâm để thực hiện mong ước giúp người.
Hiện, nhóm thiện nguyện Nhất Tâm do cô Tâm thành lập chuyên giúp đỡ học sinh, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Chị Huỳnh Nhàn (30 tuổi, ngụ TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Con tôi bị bệnh nặng về gan, cần phải ghép gan với số tiền điều trị rất lớn. Gia đình bán ruộng đất để lo cho con, vô cùng khó khăn. Biết được hoàn cảnh của tôi, cô Tâm lặn lội đến tận nhà để động viên, kêu gọi đóng góp và trao số tiền hơn 70 triệu đồng để hỗ trợ con tôi chữa trị. Ngoài hỗ trợ về vật chất, cô Tâm cũng hay gọi điện, hỏi thăm, động viên tôi nhiều về tinh thần”.
Để có nguồn quỹ chăm lo cho người khó khăn, mỗi dịp lễ, Tết, nhóm thiện nguyện của cô Tâm bán hoa hồng, nếu còn thiếu, cô vận động bạn bè, người thân hỗ trợ. Hơn 7 năm thành lập, nhóm thiện nguyện Nhất Tâm có hơn 20 thành viên nòng cốt, hầu hết đều là học trò cũ của cô Tâm và những người đã từng được cô dang tay giúp đỡ kịp thời và tình nguyện tham gia giúp đỡ người khó khăn.
Hằng năm, cô Tâm thực hiện hơn 100 chương trình hoạt động thiện nguyện như: Giúp đỡ người già neo đơn, kêu gọi hỗ trợ bệnh nhân nghèo, phát cháo, tặng bảo hiểm y tế cho học sinh, cắt tóc cho người bệnh ung thư... Đặc biệt, quỹ học bổng mang tên “Học bổng Nhất Tâm - ươm mầm sự tử tế” đã hỗ trợ khoảng 20 suất, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng cho học sinh nghèo ở địa phương hằng năm.
Nhận Giải thưởng KOVA năm 2022 và được vinh danh ở hạng mục “Sống đẹp”, cô Tâm chia sẻ: “Giải thưởng tạo động lực rất lớn cho tôi trong công tác giảng dạy. Học hỏi tinh thần của nhà sáng lập giải thưởng, tôi càng quyết tâm giảng dạy, hướng dẫn học trò mình thành những người có ích. Ngoài ra, tôi cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn về nghiên cứu khoa học và dự định sẽ hướng dẫn cho một số em quan tâm về mảng này trong thời gian sắp tới. Giải thưởng càng làm tôi thêm vững tin trên con đường thiện nguyện mình đang đi”.
Cô Tâm cho biết, sắp tới cô sẽ tổ chức thiện nguyện với những chương trình thiết thực diễn ra hàng tháng để hỗ trợ hết sức mình cho cộng đồng. Bên cạnh đó sẽ tạo ra nhiều hoạt động thiện nguyện cho nhiều người tham gia, giúp đỡ nhiều nhóm đối tượng hơn.
Đặc biệt, cô mong muốn đưa hoạt động thiện nguyện vào học đường để giáo dục đạo đức học sinh hướng đến lối sống yêu thương và sẻ chia, tạo thêm nhiều hoạt động kết nối để giúp người khuyết tật có công ăn việc làm ổn định. “Tôi mong muốn rằng sẽ ngày càng có nhiều học sinh được nhận học bổng của nhóm tôi. Các em được hỗ trợ chẳng những về vật chất, mà còn về kỹ năng, lối sống tử tế, tinh thần cống hiến”, cô Tâm chia sẻ.
Càng gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau, tôi càng có nhiều chuyển biến trong suy nghĩ. Cuộc đời tôi sẽ có ý nghĩa hơn nếu cống hiến được cho cộng đồng. Không giây phút nào mà tôi không nghĩ về việc giúp người. Chúng ta không thể biết được mình có bao nhiêu thời gian để sống mà chờ đợi, vì vậy hãy yêu thương nhau khi còn có thể. - Cô Nguyễn Thị Minh Tâm.
Trường Tiến (Giáo dục thời đại)