Chuyện về 10 nữ dân quân trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại

Cách đây gần 60 năm, để bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch qua Phủ Lý (Hà Nam) cũng như cuộc sống của nhân dân trong xã và các vùng lân cận, chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, 10 nữ dân quân Lam Hạ đã anh dũng hy sinh ngay trên mâm pháo trong trận chiến ác liệt, trở thành huyền thoại.

10 nữ dân quân trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại

Chúng tôi tìm về mảnh đất Lam Hạ, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam nằm uốn mình bên dòng Châu Giang hiền hòa. Thế nhưng ít ai biết rằng cách đây gần 60 năm Lam Hạ từng phải oằn mình hứng những trận mưa bom địch đánh phá.

Lam Hạ khi ấy trở thành trọng điểm giao thông, là tuyến đường huyết mạch của hậu phương miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của địch.

Chuyện về 10 nữ dân quân trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - Ảnh 1.

Trận địa pháo phòng không Lam Hạ được phục dựng lại tại Đền thờ 10 liệt sỹ nữ dân quân Lam Hạ, cũng là nơi diễn ra trận đánh ác liệt vào ngày 1/10/1966. Ảnh: Gia Khiêm

Nhằm ngăn chặn, đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, quanh thị xã Phủ Lý bấy giờ được bố trí nhiều trận địa pháo phòng không cố định và cơ động. Dải đất nhỏ vùng chiêm trũng yên bình bỗng trở thành chiến lũy, pháo đài.

Riêng tại xã Lam Hạ có tới 8 trận địa bố trí liên hoàn ở các thôn: Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Ấm để bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, cây cầu Sắt bắc qua dòng sông Châu và ga tàu Phủ Lý. Những con người nơi đây đã trở thành dũng sĩ giương cao nòng pháo "vít cổ" lũ giặc trời; trong đó có những nữ dân quân hiên ngang kiên cường như những đóa hoa thép trên mảnh đất Lam Hạ anh hùng.

Chuyện về 10 nữ dân quân trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - Ảnh 2.

10 liệt sỹ nữ dân quân phòng không Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại. Ảnh tư liệu

Để hỗ trợ, phối hợp với các trận địa pháo cao xạ của bộ đội, Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ được thành lập vào ngày 5/8/1965 gồm 87 người. Ngoài nhiệm vụ hậu cần, tiếp đạn, tải thương, chị em dân quân Lam Hạ còn trực tiếp sát cánh chiến đấu cùng bộ đội.

Trận đánh ngày 1/10/1966 là trận hiệp đồng chiến đấu oanh liệt nhưng cũng thương vong lớn. Giặc không phá được cầu Sắt nên điên cuồng ném bom hủy diệt trận địa. Các nữ pháo thủ khi ấy kiên cường đáp trả và rồi dưới làn mưa bom, bão đạn. Ngay loạt bom bi và rốc két đầu tiên, 6 nữ pháo thủ dân quân là Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương đã anh dũng hy sinh ngay trên trận pháo.

Pháo thủ dân quân Nguyễn Thị Thi hy sinh khi mới 16 tuổi, chưa kịp để lại dù chỉ một tấm hình. Trước khi hy sinh, cô còn nói với người anh trai cùng đồng đội là đừng rời trận pháo, hãy thay em chiến đấu để bảo vệ quê hương.

Chuyện về 10 nữ dân quân trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - Ảnh 3.

Chuyện về 10 nữ dân quân trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - Ảnh 4.

Các nữ dân quân của Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ năm xưa. Ảnh tư liệu

Chị Đinh Thị Tâm bị bom cứa nát chân nhưng vẫn kiên trung đứng ôm chặt cây súng hướng về phía quân thù. Còn cô giáo - y tá Vũ Thị Phương, mặc dù bị thương nặng vẫn nén đau, giấu mọi người để tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi kiệt sức và hy sinh.

8 ngày sau, ngày 9/10/1966, máy bay Mỹ điên cuồng tấn công trận địa phòng không đặt tại thôn Đường Ấm. Trong trận chiến này có ba nữ pháo thủ dân quân là Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh đã anh dũng hy sinh.

Gần một năm sau, ngày 7/7/1967, tại trận địa pháo đặt tại thôn Hòa Mạc, trong trận đánh trả máy bay Mỹ đến phá cầu Phủ Lý, nữ dân quân Đặng Thị Chung đã chiến đấu dũng cảm đến hơi thở cuối cùng.

Chuyện về 10 nữ dân quân trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - Ảnh 5.

Chân dung Liệt sỹ Trần Thị Thẹp một trong 10 nữ dân quân Lam Hạ đã anh dũng hy sinh. Ảnh tư liệu

Chúng tôi đứng lặng trước di ảnh liệt sĩ Trần Thị Thẹp trong đền thờ. Chị hy sinh ở tuổi 22. Ngày ấy chị có người yêu là bộ đội chiến đấu ở xa. Sau khi chị hy sinh, gia đình mới nhận được lá thư của người yêu chị ngỏ lời xin phép gia đình được tính chuyện trăm năm.

Lá thư còn đó mà nữ pháo thủ đã đi xa để lại bao nỗi đau, niềm tiếc thương cho người ở lại. Giá như không có chiến tranh, chị sẽ là người vợ hiền thục đảm đang, có một mái ấm gia đình hạnh phúc. 10 liệt nữ là mười câu chuyện, mười hoàn cảnh khác nhau, song tất cả đều chung chí hướng, quyết chiến đấu hy sinh bảo vệ quê hương đất nước.

Ký ức một thời còn mãi!

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Tình (86 tuổi), trú tổ dân phố Đình Tràng, phường Lam Hạ, TP Phủ Lý kể, khi ấy bà Tình là trung đội trưởng đội nữ dân quân Lam Hạ. Nhắc đến 10 nữ liệt sỹ là đồng đội, trong đó có những người em, người cháu thân thiết của mình đã hy sinh trong trận chiến vào ngày 1/10/1966, bà Tình không thôi xúc động.

Chuyện về 10 nữ dân quân trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Tình từng là trung đội trưởng đội nữ dân quân Lam Hạ kể lại ký ức xưa. Ảnh: Gia Khiêm

Bà Tình kể lại, nhiệm vụ của đội là vừa tham gia sản xuất, vừa được bộ đội phòng không trực tiếp huấn luyện chiến đấu. Nhiệm vụ chính của đội nữ dân quân Lam Hạ là tập luyện thuần thục tất cả vị trí tác chiến trên mâm pháo 57 ly, 37 ly và súng 14,5 ly để sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, kể cả bổ sung ngay vị trí đồng đội hy sinh.

Bà cho hay, thời điểm lúc bấy giờ đói khổ, nhiều người ra trận với manh áo vá, bụng thì đói meo vì thiếu cơm. "Chúng tôi nhịn đói chứ không bao giờ dám ăn cơm của anh em bộ đội. Tôi vẫn nhớ, liệt sỹ Đinh Thị Tâm, lúc trận đánh vào ngày 1/10/1966 sắp diễn ra, Tâm xin về nhà ngay gần trận địa pháo để báo gia đình di tản. Chị về nhà uống ngụm nước lã, dặn dò người nhà trong gia đình rồi lại ra trận địa chiến đấu rồi anh dũng hy sinh", bà Tình hồi ức lại.

Chuyện về 10 nữ dân quân trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - Ảnh 6.

Chuyện về 10 nữ dân quân trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - Ảnh 7.

Bằng truy tặng danh hiệu AHLLVVND của 1 trong số 10 nữ dân quân Lam Hạ hy sinh trên trận địa pháo phòng không. Ảnh: Gia Khiêm

Trong sâu thẳm ánh mắt đã đầy nếp nhăn, bà Tình không sao quên được ký ức những đêm nằm trực chiến, chị em dân quân còn dặn dò nhau nếu ai đó hy sinh thì người còn sống phải chiến đấu gấp đôi, gấp ba để trả thù địch và bảo vệ Tổ quốc thay cho bạn. Ngay cả những lúc đối mặt với cái chết, các cô vẫn nghĩ đến những người còn ở lại. Chuyện hy sinh, với các nữ dân quân khi ấy đều rất bình thản. Họ chỉ mong sao đất nước sớm giành lại độc lập, hoà bình.