Chuyến tàu cuối cùng chạy xuyên qua đêm giao thừa, đưa hành khách về quê đón Tết

SE1 là chuyến tàu cuối cùng của năm Quý Mão khởi hành từ ga Hà Nội đêm 30 Tết đã ì ầm chuyển mình về phương nam Tổ quốc khiến nhiều người đong đầy cảm xúc.

Đúng 22 giờ đêm 9/2 (30 Tết), ga Hà Nội đã vắng vẻ hơn so với ngày thường. Những hành khách sau cùng của chuyến tàu cuối năm chạy xuyên qua đêm Giao thừa vội vã bước lên toa xe. Chỉ ít phút sau, đoàn hỏa xa chạy vắt xuyên qua 2 năm cũ - mới sẽ rời bến, mang trong lòng mình nhiều cảm xúc.

Cũng thời gian này, nhân viên phục vụ đã chuẩn bị sửa soạn những cành hoa đào, hoa ly, mâm đồ lễ gồm gà, bánh chưng, xôi, bánh kẹo... để cúng Tất niên, đón giao thừa.

Chuyến tàu cuối cùng chạy xuyên qua đêm giao thừa, đưa hành khách về quê đón Tết- Ảnh 1.

Nhân viên phục vụ đã chuẩn bị sửa soạn đồ để cúng Tất niên, đón giao thừa. Ảnh: Nguyễn Đại

Chị Đào Thị Mùi (34 tuổi) nhân viên của đoàn tiếp viên phục vụ trên chuyến tàu SE1 cho biết, đây là năm thứ 6 chị đón giao thừa trên tàu Thống Nhất. Đứng trên sân ga, mặt chị thoáng buồn. Nhìn những hành khách vội vàng kéo hành lý về phía mình, chị Mùi vẫn mỉm cười, hướng dẫn hướng đi cho mọi người.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Mùi cho biết, đã làm nghề được 10 năm. Đây là năm thứ 6 chị thực hiện chuyến tàu chạy xuyên qua đêm 30 Tết. Lần đầu đón khoảng khắc giao thừa trên tàu hỏa, chị Mùi có lúc xúc động, òa khóc. Chị có chút tủi buồn khi đêm giao thừa mọi người quây quần bên gia đình thì mình vẫn phải tiếp tục với công việc thường nhật.

Chuyến tàu cuối cùng chạy xuyên qua đêm giao thừa, đưa hành khách về quê đón Tết- Ảnh 2.

Chị Mùi cho biết, đã làm nghề được 10 năm. Đây là năm thứ 6 chị thực hiện chuyến tàu chạy xuyên qua đêm 30 Tết. Ảnh: Nguyễn Đại

"Giờ thì đã quen hơn nhiều rồi, nhưng tôi vẫn cảm thấy lâng lâng. Cảnh xa gia đình, xa chồng con ai mà chẳng có chút tủi thân.Tuy nhiên, đây cũng là công việc và nhiệm vụ của mình nên phải tạm gác mọi chuyện gia đình sang một bên", chị Mùi chia sẻ.

Bước lên chuyến tàu muộn cuối năm, chị Mùi quay lại bảo, Tết năm nay, chồng mình cũng đi trực trong quân đội, 2 con nhỏ chị gửi nhờ ông bà trông.

Chuyến tàu cuối cùng chạy xuyên qua đêm giao thừa, đưa hành khách về quê đón Tết- Ảnh 3.

Hành khách làm thủ tục trước khi lên tàu. Ảnh: Nguyễn Đại

Chuyến tàu cuối cùng chạy xuyên qua đêm giao thừa, đưa hành khách về quê đón Tết- Ảnh 4.

Nhiều hành khách trong đó có cả du khách nước ngoài háo hức trước thềm năm mới. Ảnh: Nguyễn Đại

"Cũng nhớ con lắm, nhưng vì công việc nên chúng tôi vẫn phải cố gắng. Giao thừa, cả nhà sẽ gọi điện thoại cho nhau để tâm sự", nữ tiếp viên cười tươi.

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đợt Tết Nguyên Đán này, có 6.000 cán bộ giống như chị Mùi được tăng cường trực đêm giao thừa và ngày mùng 1 Tết. Riêng trong ngày 30 Tết, ga Hà Nội có 10 chuyến tàu rời ga cùng gần 1.500 hành khách.

Chuyến tàu cuối cùng chạy xuyên qua đêm giao thừa, đưa hành khách về quê đón Tết- Ảnh 5.

Chuyến tàu SE1 của đường sắt Việt Nam là chuyến tàu cuối cùng, xuất phát trước thời khắc giao thừa. Ảnh: Nguyễn Đại

Trước khi chuyến tàu rời bánh, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đã đến động viên lãnh đạo ngành đường sắt và tổ tàu. Đây cũng là một thông lệ, một truyền thống đẹp của ngành đường sắt. Chuyến tàu chạy vắt qua hai năm mang theo lời chúc tốt đẹp của những người đứng đầu ngành Giao thông vận tải, như một biểu tượng và kỳ vọng vào sự phát triển hơn nữa trong năm mới đang tới gần.

Là một trong những hành khách cuối bước lên tàu SE1, anh Nguyễn Minh Tùng cho biết, từ nhiều năm nay, anh đã chọn cách đi tàu để đưa gia đình về quê.

"Năm nay, có lẽ giao thừa của cả nhà tôi sẽ diễn ra ngay trên tàu. Nhưng đó cũng là trải nghiệm đặc biệt mà các con hiếm khi có được", anh Tùng cười nói rồi nhìn về phía 2 con.

Trên chuyến tàu đêm nay, nhiều hành khách sẽ có những kỷ niệm đáng nhớ. Họ sẽ xuyên qua đêm giao thừa. Cùng nhau ngắm nhìn đường phố, khắp nơi rộn ràng đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Cùng về gia đình, quê hương bên những cành đào tươi thắm. Và cứ thế, chuyến tàu cuối cùng của năm cũ đã ì ầm chuyển mình về phương nam Tổ quốc khiến nhiều người đong đầy cảm xúc.