Sáng 2/8, tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế biển xanh tạo động lực phát triển bền vững”.

Hội thảo thu hút được sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp lớn quan tâm tới kinh tế biển. (Ảnh: Hải An)Hội thảo thu hút được sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp lớn quan tâm tới kinh tế biển. Ảnh Hải An.

Tham dự Hội thảo có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan đến công tác biển, đảo; đại diện một số cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu và các chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực biển, đảo.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh: “Bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển được Đảng ta quan tâm trong suốt quá trình lãnh đạo đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045: “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương”.

Theo ông Phan Xuân Thủy, sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 36, kinh tế biển đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo động lực phát triển cho từng địa phương và cả nước.

Ảnh internet.Chuyên gia trao đổi về tầm quan trọng kinh tế biển xanh. Ảnh internet.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói: “Hội thảo khoa học 'Kinh tế biển xanh tạo động lực phát triển bền vững' được tổ chức với mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 36, khẳng định ý nghĩa của phát triển bền vững kinh tế biển nhất là kinh tế biển xanh; kiến nghị, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển trong tình hình mới, đồng thời, định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền biển, đảo trên toàn quốc năm 2025 và những năm tiếp theo.

Qua đó, thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh các công trình khoa học nghiên cứu về biển, đảo; đồng thời, góp phần phản bác hoạt động, luận điệu của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề liên quan đến biển, đảo làm tổn hại đến đất nước ta”.

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển.

Theo PGS. Nguyễn Trúc Lê, mặc dù đã đạt được những thành tựu, nhưng một số mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển chưa đạt được; chưa phát huy tốt lợi thế, tiềm năng của biển. Liên kết giữa các vùng ven biển; giữa vùng, địa phương ven biển với vùng, địa phương trong đất liền; giữa các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả; các vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái có nguy cơ gia tăng bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Chuyên gia trao đổi về tầm quan trọng kinh tế biển xanh. Ảnh internet.Chuyên gia trao đổi về tầm quan trọng kinh tế biển xanh. Ảnh internet.

Do đó, các nghiên cứu để đề xuất các mô hình phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững là vấn đề cấp thiết”, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.

Hội thảo khoa học đã lắng nghe 7 bài tham luận đến từ đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực biển, đảo; đồng thời, dành thời lượng để cùng trao đổi các kinh nghiệm, kiến thức học thuật liên quan đến việc phát triển kinh tế biển Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Các bài tham luận xoay quanh các chủ đề như: Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển bền vững kinh tế biển; thực trạng phát triển các ngành kinh tế biển của Việt Nam hiện nay; công tác đối ngoại, tuyên truyền, thông tin đối ngoại liên quan đến vấn đề biển đảo hiện nay.

Sự kiện cũng đã thu hút được sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp lớn quan tâm tới kinh tế biển, mong muốn hướng tới một quốc gia có kinh tế biển phát triển xanh và bền vững.

PV (t/h)