Theo đề xuất của Bộ Y tế, đối với trường hợp F0 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc, các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K. Trong trường hợp này, F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.
Cũng theo đề xuất, những người là F1 nhưng chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, đây là đề xuất hợp lí. Theo TS Phu, hiện số F0 và F1 nhiều nên có thể dẫn tới không có người làm việc tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy.
Mặc dù vậy chuyên gia này cũng lưu ý, nới lỏng nhưng không được buông xuôi, phải kiểm soát được rủi ro. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, cả cơ quan đó nhiễm bệnh trở thành F0 hết thì sẽ không còn ai đi làm”, TS Phu nói.
Ông cũng cho rằng Bộ Y tế đề xuất là một việc nhưng quyết định thế nào lại do các cơ quan, doanh nghiệp. Chuyên gia dịch tễ đặc biệt lưu ý các F0, F1 đi làm nhưng vẫn phải thực hiện 5K tối đa có thể để kiểm soát được sự lây nhiễm, giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng càng tốt.
“Mọi người vẫn phải theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng cần xét nghiệm ngay và cần có những biện pháp điều trị, cách li phù hợp” PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, đồng thời cho biết chủng Omicron có triệu chứng nhẹ, nhưng cũng phải cho lây chậm lại chứ nếu để nhiễm ồ ạt dễ dẫn đến quá tải hệ thống y tế, sẽ có nhiều người tử vong và diễn biến nặng. “Chấp nhận cho sự lây lan nhưng phải kiểm soát được”, ông Phu lưu ý.
Với việc số ca mắc tăng nhanh nhưng giảm số ca nặng và tử vong so với biến thể Delta trong thời gian qua một phần do tiêm vắc xin đầy đủ, phần nữa do Omicron gây bệnh cảnh nhẹ, nhiều người có tâm lí “ai rồi cũng thành F0”, chuyên gia Trần Đắc Phu cảnh báo không phải ai cũng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Vẫn có những trường hợp dù đã được tiêm vắc xin nhưng khi mắc bệnh, bệnh chuyển nặng, diễn biến nhanh dẫn đến tử vong.
Bên cạnh đó không may trở thành F0 rất dễ lây bệnh cho những người xung quanh, nhất là trẻ em chưa được tiêm vắc xin, người già, bệnh nền, thai phụ… Chưa kể tâm lí đó dễ dẫn số người mắc bệnh cao khiến dịch bệnh bùng phát không kiểm soát được gây quá tải hệ thống y tế, tăng tỷ lệ ca nguy kịch và tử vong.
Đặc biệt, vẫn có nhiều trường hợp tái nhiễm, hậu COVID để lại hậu quả nặng nề. Do đó PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dẫn không nên chủ quan.
Theo Hà Minh (Tiền Phong)