Cẩn thận "cơ hội vàng" sẽ có lẫn đất sét

Ảnh minh họa

"Cụm từ được đề cập nhiều gần đây là "cơ hội vàng", nhưng theo tôi, nếu không cẩn thận vàng sẽ có lẫn đất sét" - Chuyên gia thẳng thắn.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến có chủ đề "Hậu Covid-19, chuẩn bị gì để trở lại đường đua" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nêu lên những ý kiến cá nhân về tình hình kinh tế của Việt Nam trong trạng thái bình thường mới, cũng như nhìn nhận về các cơ hội sau đại dịch.

Một kỳ vọng được nhiều người đặt ra là việc các doanh nghiệp Mỹ chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất. Thực tế không phải đến lúc này các chuỗi cung ứng toàn cầu mới chọn Việt Nam. Vấn đề đã được đặt ra nhiều lần nhưng chúng ta chưa tận dụng đủ cơ hội.

Liệu lần này có khác?

Với câu hỏi này, bà Phạm Chi Lan nói: "Cụm từ được đề cập nhiều gần đây là "cơ hội vàng", nhưng theo tôi cơ hội vàng đến từ tùy nơi, tùy lĩnh vực... nếu không cẩn thận vàng sẽ có lẫn đất sét".

Theo chuyên gia, cơ hội không dành riêng cho Việt Nam, mà còn cho Ấn Độ, Indonesia... – vốn là các nước dành ưu tiên và mục tiêu rõ ràng. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang đi theo chiến lược có nhiều mũi nhọn. Đây cũng là nguyên nhân Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội.

"Nhìn lại vì sao ta bỏ lỡ cơ hội, tôi cho rằng một phần là do vẫn còn tình trạng hô khẩu hiệu mà không chịu đánh giá thực lực và có sự nghiên cứu, phân tích xem cần phải làm gì để thay đổi tình trạng và nắm bắt cơ hội. Trước ta coi mình là cô gái đẹp, giờ cô gái đã già rồi..." - Chuyên gia thẳng thắn nhận xét.

Bà Lan cũng đánh giá: "Chúng ta háo hức nói về công nghệ 4.0. Nhưng thực tế ta làm rất ít để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0."

Cụ thể, chuyên gia cho rằng, khát vọng và mong đợi của người thiết kế cơ chế không giống với khát vọng cơ chế của doanh nghiệp. Đưa ra chính sách hay nhưng hành động thực thi chính sách kém thì không hiệu quả. Cần có chế tài, kỷ cương áp vào cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Phải có chế tài nghiêm thì doanh nghiệp mới làm được.

Chính sách không nên cố kiểm soát doanh nghiệp hơn là tạo thuận lợi. Trong khi thế giới đã khác, rất phát triển nhưng Việt Nam vẫn đang loay hoay tháo gỡ rào cản, khó khăn...

Tuy nhận xét khắt khe về những yếu điểm của Việt Nam, nhưng bà Phạm Chi Lan vẫn phải thừa nhận những kết quả tốt mà Chính phủ Việt Nam đã làm được trong đại dịch vừa qua.

"Mừng là dịch Covid-19 vừa qua với những gì xảy ra tại Việt Nam cho thấy bài học tốt. Khi chúng ta chọn một mục tiêu và ưu tiên cao nhất để tập trung làm sẽ làm được. Một bộ máy điều hành cương quyết, các bộ ngành phối hợp tốt, người đứng đầu hiểu việc và áp dụng những cái tiến bộ vào xử lý tình thế khó khăn đã cho kết quả tích cực.

Nhưng làm sao nuôi dưỡng được tinh thần đó trong thời gian tới là điều đáng quan tâm" - Bà Lan nhấn mạnh.

Theo quan sát của chuyên gia Phạm Chi Lan, các doanh nghiệp phía Nam đã chuẩn bị cho đường đua mới. Họ thấy rằng nếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường đầu vào/đầu ra sẽ thành vấn nạn cho mình, nên họ tìm mọi cách để chuyển động.

Nếu chỉ một mình doanh nghiệp vận động thì rất khó để làm, nhưng hiệp hội thì có thể. Các hiệp hội nên cùng nhau bỏ ra một khoản đầu tư cho hoạt động nghiên cứu tương lai sẽ như thế nào, thói quen của người tiêu dùng sẽ thay đổi ra sao, nên xem lại nghiên cứu để xem nên đi về đâu và cái gì sẽ là xu hướng trong tương lai?

Trên cơ sở yêu cầu của mình, cần đề xuất chính sách cần thiết lo cho dài hạn, đầu tư dài hạn chứ không phải chỉ trong ngắn hạn.

Với đối tác nước ngoài, nên xem xét đầu tư với ai, chọn ai trong lúc nhiều "cửa" đang mở ra như các hiệp định thương mại. Với Mỹ, ít nhất thì hai bên đã cùng nhau đàm phán TPP, làm cơ sở cho hợp tác trong tương lai.

"Cần nhớ rằng thị trường rất khó để hồi phục như cũ, và sẽ là hồi phục trong giai đoạn bình thường mới. Bình thường mới cũng có những bất thường mới" - Chuyên gia kết luận.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Tổ Quốc