Từ các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 nền kinh tế đã xuất hiện những dấu hiệu đáng quan ngại. Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã suy giảm rõ rệt. Trong 2 tháng đầu năm 2023 có tới 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong khi chỉ có 37.900 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay trở lại thị trường sau đại dịch Covid-19. Như vậy là giảm trên 13.000 nghìn doanh nghiệp chỉ trong vòng 2 tháng.
Doanh nghiệp cần bắt đầu hành động
Dù bối cảnh có nhiều “gam màu xám” nhưng cũng cho thấy những cơ hội. Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh rằng :" Nếu doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, hoà nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực đầu tư mới thì đây là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra đột phá, nền tảng để “bứt tốc” trong tương lai."
Để nắm bắt các cơ hội phát triển trong những năm tiếp theo, tái định vị doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề mấu chốt. Theo đó, tái định vị doanh nghiệp gắn liền với tư duy mới: phát triển bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển.
Những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam và một số định hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp
Cũng tại diễn đàn này, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam:
Thứ nhất, trên bình diện chung, tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam;
Thứ hai, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn;
Thứ ba, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chúng ta đều biết, khoảng 97-98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Các doanh nghiệp này gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận tài chính chính thức;
Thứ tư là việc bảo đảm chất lượng lao động góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với yêu cầu làm việc trong bối cảnh mới (gắn với chuyển đổi số, phục hồi xanh,…).
Gắn liền với những khó khăn, thách thức nêu trên, TS. Trần Thị Hồng Minh cũng đưa ra một số định hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp như: cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới; Chính phủ cần tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới một cách bền vững; chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và phát động chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp chia sẻ rằng: "Để doanh nghiệp nước ta ổn định phát triển thì phải dựa vào nền kinh tế thế giới. Mục tiêu chính phủ đưa ra là: ổn định kinh tế vĩ mô, tránh lạm phát, tăng trưởng trước dọn dẹp sau. “Cháy rừng là thảm hoả” nhưng đây chưa chắc là thảm hoạ mà có thể tạo ra được những hạt giống mới nên không cần quá hoảng loạn về vấn đề mà cần bình tĩnh để gỡ rối và giải quyết vấn đề. Cứu doanh nghiệp không ai bằng chính doanh nghiệp - Không ai hiểu doanh nghiệp mình bằng chính doanh nghiệp. Chính phủ là chỗ đưa ra cơ chế để doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững."