Nguy cơ tiềm ẩn
 
Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố báo cáo “Khuyến nghị chính sách tháo gỡ đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách trong đại dịch COVID-19” gửi đến Thủ tướng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Ban Kinh tế Trung ương.
 
Nhóm các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, đứt gãy nguồn lao động do giãn cách xã hội, giá nguồn nguyên vật liệu tăng cao và tình trạng ngăn cấm di chuyển giữa các khu vực, các địa phương khiến ba chuỗi cung ứng lớn đứng trước nguy cơ đổ vỡ gồm: chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến, chế tạo; chuỗi cung ứng thủy sản và nông sản; chuỗi cung ứng hàng dệt may.
 

Chuỗi cung ứng hàng dệt may là 1 trong 3 chuỗi cung ứng lớn có nguy cơ đổ vỡ do giãn cách xã hội.

 
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, PGS.TS Tạ Văn Lợi - Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Trưởng nhóm Nghiên cứu 1 về đứt gãy chuỗi cung ứng cho biết, chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến, chế tạo bị đứt gãy liên quan tới các khu vực có số ca mắc COVID-19 cao.
 
COVID-19 đã tác động chủ yếu đến lao động, điều kiện làm việc của ngành chế biến, chế tạo. Phần còn lại do đứt gãy trên toàn thế giới, đó là nguồn cung các nguyên vật liệu, logistics xuất nhập khẩu. Các container không đóng hàng được tại Việt Nam thì phần lớn phải chuyển về Trung Quốc. Phần lớn những chuỗi này liên quan đến xuất khẩu và do các FDI nắm giữ. Việc đứt gãy chuỗi này mang tính chất ảnh hưởng đến uy tín nơi sản xuất an toàn của Việt Nam.
 
Liên quan đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản và nông sản, ông Lợi cho biết, với thủy sản, phần lớn đứt gãy nguồn cung cả về lao động và nguyên vật liệu khi nhiều tỉnh, thành áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, nhiều chủ trại nuôi không có đủ nhân lực, việc vận chuyển nguyên vật liệu đến nhà máy chế biến không được thông suốt. Trong khi đó, mặt hàng nông sản lại đứt gãy về nguồn cung lao động và thông tin thị trường.
 
"Phần lớn hàng hóa nông sản đến kỳ thu hoạch nhưng không vận chuyển được. Không nắm bắt được thông tin thị trường, dẫn đến việc không hỗ trợ cho nông dân và tiêu thụ gặp khó. Đặc biệt, Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam và một số quốc gia khác, e ngại diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ đó đưa ra yêu cầu cao trong việc tiếp nhận lao động của phía Việt Nam, nhất là đội ngũ lái xe", ông Lợi chia sẻ.
 
Với chuỗi cung ứng về hàng dệt may, Trưởng nhóm nghiên cứu 1 về đứt gãy chuỗi cung ứng đánh giá, khó khăn nhất với các DN là đáp ứng điều kiện thực hiện mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến". Là ngành sử dụng nhiều lao động, áp lực của người sử dụng lao động rất lớn từ kinh phí phát sinh đến trách nhiệm bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong ngành này phải dừng hoạt động.
 
Chiến lược phòng dịch phải đi kèm chiến lược hậu cần
 
Đề cập tới các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế cho rằng, một loạt các chính sách được ban hành thời gian qua thể hiện nỗ lực của Nhà nước. Tuy nhiên, các chính sách còn mang tính vội vàng và lúng túng do thiếu đồng bộ theo chiều dọc từ Trung ương đến địa phương. Trong khi đó, theo chiều ngang thì thiếu sự phối hợp giữa các chính quyền địa phương, giữa các chính quyền với các đơn vị liên quan về chính sách.
 
"Thực tế cho thấy mỗi nơi làm một kiểu, mỗi chỗ làm một cách. Các DN bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong khi đó, với các cấp chính quyền địa phương, khi không quản lý được thì họ cấm thay vì là đồng cùng doanh nghiệp, và người dân", ông Lợi nhìn nhận.
 
 
PGS.TS Tạ Văn Lợi - Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)
 
Ông Lợi cho biết, trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cung ứng và suy giảm kinh tế ngày càng trầm trọng, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một loạt giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn.
 
Trong ngắn hạn, nhóm kiến nghị Chính phủ và các ban, ngành Trung ương cho phép các doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn, cũng như cho phép các lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường.
 
Nhóm nghiên cứu đề xuất thay thế cơ chế “luồng xanh” bằng cơ chế “tuyến đường xanh”, cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính, nhưng quản lý chặt lái xe, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương.
 
Đồng thời, xây dựng ứng dụng điện tử “Nguồn lao động an toàn mùa dịch” nhằm thông tin tuyển dụng và việc làm tạm thời tại các khu công nghiệp, các tỉnh thành giúp cho các lao động “vùng xanh” có việc làm ngay, doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất dễ tiếp cận nguồn lao động an toàn...
 
Về lâu dài, để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, nhóm nghiên cứu đề xuất chiến lược phòng chống dịch COVID-19 phải đi kèm chiến lược hậu cần-logistics một cách thống nhất. Chính phủ và các bộ cần hoàn thiện thể chế, pháp luật logistics nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động logistics trên thị trường trong mọi tình huống. Ngoài ra, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại, tiến tới xây dựng thị trường bất động sản logistics Việt Nam.
 
Với chính quyền địa phương, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần bãi bỏ các quy định chống dịch thiếu thống nhất tại các địa phương đang gây ra rào cản cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong quá trình cung ứng hàng hóa.
 
Trong khi đó, với doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần phải chủ động và nhanh chóng chuyển đổi số và kinh doanh trên nền tảng điện tử. Tăng cường các giải pháp quản trị doanh nghiệp thông qua các biện pháp quản trị thông minh và chuyển đổi số, như tăng cường camera giám sát, phân vùng đệm chuyển giao nguyên liệu bán thành phẩm, thiết lập cơ chế tự giám sát.
 
Cần tận dụng thời gian giãn cách nghiên cứu và phát triển các loại nguyên vật liệu mới, loại thay thế, nguồn dễ tìm kiếm và kinh doanh tạo lập chuỗi cung ứng mới đảm bảo thích ứng với tình hình dịch bệnh và có phương án lâu dài cho chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới.
Nguyệt Minh