Vào 17h ngày 04/9, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, bão số 3 YAGI đã mạnh lên nhanh chóng, hiện tại đang ở cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 15-16. (167-201km/h). Chỉ tính riêng trong hơn một ngày bão đã tăng tới 5 cấp độ và còn tiếp tục mạnh thêm và có thể đạt tới cấp siêu bão - cấp 16, giật trên cấp 17+ (tức là cấp 18-19) nhanh chưa từng thấy trong năm trên biển Đông.

Tại cuộc họp với các bộ, ban ngành và trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố vào chiều ngày 04/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sau khi vào Biển Đông bão YAGI đã tăng 4 cấp.

Trước đó, ngay từ tối ngày 03/9, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen) đã đăng bài viết, gợi ý cách đối phó với cơn bão sắp tới. Cụ thể, anh chia sẻ:

"Để không bị lạc mất mái tôn, người dân các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên và cả phía Đông Hà Nội nên làm theo cách trong hình.

Đặt các túi nước khoảng 20 lít đến 30 lít, cho vào các bao tải và bơm nước, buộc chặt, cố định bằng dây hoặc không bơm nước quá đầy để tạo thế nằm vững chãi cho các bao nước. Bằng cách này, các bao nước sẽ giúp đè mái tôn lại, chống được gió cấp 11 và 12 đấy. Lưu ý chỉ áp dụng với các mái tôn không dốc và phải có khung vững chãi.

Khi làm thì cẩn thận kẻo xảy ra tai nạn khi leo trèo.

Trong vài ngày tới trời miền Bắc sẽ oi nóng do bão hút hết hơi ẩm vào tâm của nó. Đừng thấy nắng nóng mà chủ quan nghĩ bão không vào mọi người nhé. Chiều ngày 7/9 bão bắt đầu vào bờ vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh. Trưa ngày 7/9 đến sáng 8/9 là thời gian bão quần thảo trong đất liền với gió rít, mưa trút nước. Nhiều đô thị có thể bị ngập lụt do cơn bão này bởi lượng mưa rất lớn. Hãy mang ô tô gửi ở nơi cao ráo, không đỗ xe dưới tán cây to."

Khi được hỏi lý do tại sao không dùng bao cát, chuyên gia trả lời: "Bao cát thì tốt nhưng đưa lên mái cao sẽ khó. Bịch nước bỏ trong bao tải thì không bị bục đâu. Nhiều nhà mang bao cát lên mái xong để nguyên trên mái mấy năm trời làm túi cát mục và bục ra. Cát bay tứ tung."

Chuyên gia bày cách ứng phó với siêu bão YAGI, để không bị "lạc mất mái tôn": Đơn giản nhưng hiệu quả- Ảnh 1.

Ảnh: FBNV

Kỹ năng ứng phó với thiên tai, mưa bão

Dưới đây là những lưu ý được đăng tải trên trang báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam:

1. Người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng như mục thông tin về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các thông báo từ chính quyền.

2. Gia cố nhà cửa đề phòng mưa bão làm tốc mái, đổ nhà, sử dụng các vật liệu có sẵn như cỏ tranh, rơm, rạ… phủ lên mái nhà để giảm thiểu tác hại của mưa đá. Kiểm tra lại toàn bộ nhà cửa, nhanh chóng sửa chữa những chỗ bị hư hỏng, buộc lại cửa sổ, mái che đề phòng gió lốc có thể giật tung và thổi bay gây tai nạn cho người cũng như thiệt hại về của cải.

3. Di chuyển gia súc, gia cầm đến nơi an toàn và dự trữ thức ăn cho chúng. Kiểm tra lại việc dự trữ lương thực, thực phẩm, nước sạch, thuốc men, chất đốt… Tranh thủ thu hoạch lúa, hoa màu hay thủy sản. Lưu giữ các số điện thoại và địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

4. Tạm ngắt toàn bộ nguồn điện trong nhà phòng tránh tai nạn điện giật hay chập cháy. Không đi ra ngoài đề phòng các vật bị gió thổi bay như tôn lợp mái, cành cây gẫy, cây đổ, dây điện đứt gây nguy hiểm đến tính mạng. Tránh xa những nơi dễ đổ như cây to, cột điện, bờ tường đề phòng tai nạn. Không vớt củi và đồ vật trôi nổi trên sông. Không đi vào khu vực nguy hiểm như những nơi nước chảy xiết, ven sông hồ, sông suối hay nơi có nguy cơ sạt lở. Đặc biệt nêu cao tinh thần cảnh giác nếu sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở, gần sông, suối, khu vực sườn đồi, núi có độ dốc lớn, đất đá kém ổn định cần chủ động phòng, tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, tạm thời đến những nơi an toàn trú ẩn.

Chuyên gia bày cách ứng phó với siêu bão YAGI, để không bị "lạc mất mái tôn": Đơn giản nhưng hiệu quả- Ảnh 2.

Hình minh họa. Ảnh: Internet

5. Khi có mưa dông, sét cần tìm nơi trú ẩn an toàn, không đứng dưới các cây to, gò cao, chân cột điện, trạm biến áp… không cầm vật dụng bằng sắt, hạn chế sử dụng điện thoại di động, không ở lại các lán, nương thiếu an toàn. Tích cực tham gia vào lực lượng xung kích, phòng chống thiên tai, cứu hộ và cứu nạn của địa phương.

6. Sau khi mưa dông tan, bà con cần tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh nhà, lau dọn nhà cửa để đảm bảo vệ sinh; kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.

Tổng hợp