Những năm gần đây, cà phê rớt giá, hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt khiến cho thu nhập của gia đình anh Phạm Văn Hiệp ở thôn Đắk Lay, xã Quảng Khê bị giảm sút.

Trong một lần sang tỉnh Lâm Đồng thăm người thân thấy mô hình trồng dâu, nuôi tằm của nhiều hộ dân nơi đây cho hiệu quả kinh tế cao, anh Hiệp đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi sang trồng giống dâu siêu cành.

Sau hơn 4 tháng chăm sóc, vườn dâu gia đình anh phát triển tốt cho nhiều lá và được các hộ nuôi tằm thu mua với giá cao. Thấy hiệu quả, anh Hiệp đã chuyển đổi hơn 1 ha cà phê sang trồng dâu nuôi tằm.

Anh Hiệp cho biết, trồng dâu nuôi tằm lấy kén cho thu nhập cao hơn nhiều các cây trồng khác. Mới đầu, gia đình chỉ làm nhà nuôi tằm khoảng 50m2 đến nay đã mở rộng nhà nuôi lên gần 250m2.

“Trước kia tôi trồng cà phê thấy thu nhập rất thấp, đúng lúc cà phê xuống giá, tôi chuyển sang trồng dâu hết. Tôi thấy trồng dâu thu nhập gấp 2 lần làm cà phê. Lúc đầu tôi nuôi 2 hộp tằm giống đến nay tôi đã nuôi tăng lên 20 hộp mỗi tháng. Tôi thấy trồng dâu mấy năm nay khá ổn định và ngành nuôi tằm lấy kén khá tiềm năng. Hiện trong thôn có mấy chục hộ họ làm theo”, anh Hiệp chia sẻ.

Tương tự, từ ngày chuyển đổi sang nghề trồng dâu, nuôi tằm lấy kén, mỗi tháng gia đình chị Hồ Thị Thảo, ở thôn 8 xã Quảng Khê cũng thu về hơn 33 triệu đồng. Chị thảo cho biết, hiện gia đình đã chuyển hơn 4ha trồng cà phê, cây ăn quả sang trồng dâu nuôi tằm. Trồng cà phê, hồ tiêu thì cuối năm mới cho thu nhập, còn cây dâu tằm cho thu nhập đều cả năm, nhất là kén tằm làm ra đến đâu đều được thương lái tới mua hết.

“Tôi đã từng trồng cây ăn trái rồi làm cà phê nhưng vẫn tâm huyết với cây dâu tằm hơn vì dễ trồng, không phải đầu tư nhiều. Trồng cây dâu nhanh có tiền, quay vòng nhanh và ai cũng có thể làm được. Nuôi tằm ở đây lại rất thích hợp vì khí hậu mát mẻ, thoáng đãng. Tôi tính bình quân kén tằm bán 120.000 đồng/kg thì với 4 ha dâu của gia đình, mỗi năm trừ hết chi phí, cho thu nhập hơn 400 triệu đồng. Nếu bà con muốn trồng dâu cứ mạnh dạn làm và không phải lo về đầu ra vì thị trường rất lớn”, chị Thảo hào hứng chia sẻ.

Hiện tại xã Quảng Khê đã có 157 hộ chuyển đổi hơn 100 ha sang trồng dâu nuôi tằm. Trong đó tập trung ở thôn 8, thôn 7, thôn 3, thôn Đắk Lay và thôn Tân Tiến, mỗi thôn bà con trồng trung bình từ 20-30 ha. Cùng với đó, nhiều hộ còn cải tạo các diện tích đất kém hiệu quả chuyển sang trồng dâu hái lá, cung cấp cho các hộ nuôi tằm ở các địa phương. 

Ông Phạm Văn Duẩn, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê cho biết, so với các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, vốn đầu tư ban đầu trồng dâu nuôi tằm không lớn. Cùng với đó, công cụ cho nuôi tằm đơn giản, rẻ, kỹ thuật, cây giống được ngành nông nghiệp hỗ trợ nên rất thuận lợi cho việc nuôi tằm. Để bà con gắn bó với nghề dâu tằm, địa phương đang kết nối với các doanh nghiệp để cùng đầu tư bao tiêu sản phẩm giúp bà con ổn định sản xuất.

“Trong 3 năm gần đây, cây dâu tằm đã giúp cho nhiều hộ dân của xã Quảng Khê ổn định phát triển kinh tế và có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo nhờ hướng đi mới bằng việc trồng dâu nuôi tằm. Với diện tích gần 14.000 ha đất tự nhiên và gần 10.000 ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, địa phương nhận thấy việc phát triển trồng dâu nuôi tằm sẽ giúp cho người nông dân có thể phát triển sản xuất và tận dụng được nguồn lao động tại chỗ của các hộ gia đình. Đồng thời Trung tâm dịch vụ kỹ thuật của huyện cũng đã hỗ trợ cho địa phương nhiều lớp tập huấn những kiến thức cho người dân trên địa bàn xã nghề trồng dâu nuôi tằm”, Chủ tịch xã Quảng Khê cho biết thêm./.

Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên