Sáng ngày 8/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang kết hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức diễn đàn “Ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp năm 2024” nhằm giúp nông dân sản xuất trên địa bàn tỉnh An Giang hiểu được các nội dung, nguyên tắc, giải pháp ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp.
Các chuyên gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chuyển đổi số tại diễn đàn.
Đồng thời, diễn đàn cũng tạo điều kiện cho nông dân được trao đổi, thảo luận cùng các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp về hiệu quả, kinh nghiệm thực tiễn và chính sách phát triển, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đưa ra các định hướng, giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, giúp tạo ra các sản phẩm an toàn, tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường bền vững.
Tại diễn đàn, ông Tôn Thất Thịnh - Phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết, là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, có nước và đất đai màu mỡ, phong phú thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh là lúa gạo, cá tra phi lê xuất khẩu, rau màu và cây ăn trái. Với hơn 80% diện tích đất nông nghiệp (tương đương 297.000ha) và hơn 65% dân số là lao động nông thôn, nhờ vậy nông dân An Giang có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn canh tác, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đây được xem là thế mạnh nông nghiệp địa phương, để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.
Hiện nay, công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), và chuỗi khối (Blockchain) không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí mà còn mở ra cơ hội kết nối thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Ứng dụng chuyển đổi số là chìa khóa để có thể đạt được mục tiêu này. Từ việc sử dụng các công nghệ IoT để giám sát và quản lý trang trại, đến việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo thời tiết, dịch bệnh và tối ưu hóa quy trình sản xuất, tất cả đều góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, bền vững và hiệu quả”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Lý giải vấn đề này, ông Thịnh cho rằng, ứng dụng công nghệ tưới thông minh kết hợp bón phân đã giúp giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giảm công lao động, mô hình này được ứng dụng nhiều ở các hợp tác xã (HTX) trồng trọt, chủ yếu vào các khu vực trồng có diện tích trồng lớn. Theo đánh giá thực tế đã tiết kiệm nhiều công lao động thông qua việc tưới và bón phân. Ứng dụng một số nền tảng số, phần mềm vào ghi nhật ký nông vụ, nhật ký trồng trọt, truy xuất nguồn gốc cho nông sản, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp sạch "từ trang trại đến bàn ăn".
Theo ông Thịnh, mã số vùng trồng trong sản xuất nông nghiệp là một yếu tố quan trọng giúp quản lý, giám sát và kiểm soát chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt trong xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh An Giang đã cấp 514 mã số, với tổng diện tích vùng trồng gần 18.000ha. Trong đó, lúa 163 mã số với diện tích 9.623ha, cây ăn trái 339 mã số với diện tích 7.639ha, rau màu 10 mã số với diện tích 74ha và 2 mã số cây dược liệu 2ha.
Ông Nguyễn Minh Hiền - Giám đốc HTX GAP Cù Lao Giêng, ở huyện Chợ Mới là đơn vị vừa được xuất khẩu 20 tấn xoài sang các thị trường trên thế giới phấn khởi cho biết, nhật ký điện tử là công cụ giúp người nông dân ghi chép toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu chăm sóc, bón phân, đến thu hoạch một cách chi tiết và chính xác. Thay vì ghi chép thủ công, việc sử dụng phần mềm trên điện thoại thông minh giúp việc quản lý trở nên dễ dàng hơn, thông tin được lưu trữ khoa học và không lo bị mất mát.
Nhờ vào việc quản lý tốt quy trình sản xuất, nhà vườn có thể kiểm soát chính xác lượng phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn an toàn và chất lượng cao.
“Nhờ vào việc quản lý tốt quy trình sản xuất, nhà vườn có thể kiểm soát chính xác lượng phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn an toàn và chất lượng cao. Kết quả trong thời gian qua, HTX Cù Lao Giêng có 35 thành viên áp dụng nhật ký điện tử trong sản xuất, với diện tích 200ha, từ đó giúp nông cho ra sản phẩm an toàn đạt theo tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Hiền nhìn nhận.
Ông Doãn Văn Chiến - Trưởng Văn Phòng đại diện phía Nam Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng, mục tiêu chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT là xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Việc chuyển đổi số nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị nông nghiệp, từ sản xuất, chế biến đến phân phối và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Chuyển đổi số hướng tới 8 mục tiêu gồm: tăng cường năng suất và hiệu quả sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm; phát triển chuỗi giá trị nông sản và mở rộng thị trường; phát triển nông thôn bền vững; nâng cao năng lực quản lý và điều hành ngành NN&PTNT; xây dựng nền tảng dữ liệu số và hệ sinh thái số trong nông nghiệp; hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế số trong nông nghiệp; thúc đẩy nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.