Dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, làm thay đổi thói quen và hành vi của người tiêu dùng. Từ đó buộc các doanh nghiệp cũng phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích nghi với xu hướng và các cách thức tiêu dùng mới của người dân.
Nhiều khảo sát cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến cho nhiều người rơi vào cảnh việc làm và thu nhập bấp bênh. Rủi ro cuộc sống tăng cao khiến họ thay đổi hành vi chi tiêu cũng như thói quen tiêu dùng. Có thể nói, đại dịch đã thúc đẩy việc mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý. Từ đó, buộc các doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi cách thức và mô hình kinh doanh để phù hợp với tình hình mới.
Việc thay đổi mô hình kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại chính là giải pháp duy trì và phát triển hữu hiệu nhất trong tình hình mới trên toàn cầu. Do tính chất lây nhiễm cao của COVID-19 và tính tiện lợi từ việc giao- đặt hàng online, các dịch vụ mua bán hàng hóa không tiếp xúc gia tăng mạnh. Theo một khảo sát của Forrester - công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ, năm 2020, 58% người tiêu dùng chọn chi tiêu trực tuyến, tăng 12% so với mức trước đại dịch.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Công ty The Pathfinder, công nghệ chính là chìa khóa quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển kinh doanh, gia tăng khác biệt và tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài. Mô hình kinh doanh số chính là nền tảng giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh là xu hướng tất yếu để giúp doanh nghiệp cải tiến hoạt động hậu COVID-19.
Mô hình kinh doanh số chính là nền tảng giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.
Có 4 khía cạnh khi tư duy thiết kế kinh doanh là đổi mới tầm nhìn chiến lược, đánh giá lại chuỗi giá trị, tái cấu trúc tổ chức nội bộ, tái kết nối khách hàng. Ngoài ra cần quan tâm đổi mới phạm vi kinh doanh, đầu tư đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới hệ sinh thái sản phẩm, đổi mới hệ sinh thái kinh doanh và mô hình doanh thu. Trong đó, quan trọng của đổi mới mô hình kinh doanh là tư duy làm thế nào để chuyển đổi văn hóa của doanh nghiệp phù hợp với văn hóa số; cải tiến quy trình để gắn kết mọi người và làm việc hiệu quả.
Một mô hình kinh doanh thành công phải dựa trên hai yếu tố là sản phẩm dịch vụ có giá trị cho khách hàng, được khách hàng thừa nhận; mô hình kinh doanh mang lại nhiều nguồn thu, lợi nhuận tốt để phát triển bền vững. Đó chính là kết quả của đổi mới sáng tạo thành công, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên- Giám đốc Công ty cổ phần Đất Việt cũng cho rằng, việc chuyển sang nền tảng số đồng nghĩa với chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi về con người. Trong đó, sự chuyển đổi về con người là quan trọng nhất. Chuyển đổi số đòi hỏi các doanh nghiệp cần tạo ra một hệ sinh thái thống nhất. Tại đó phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa con người, phần mềm, hệ thống và công nghệ. Cho nên, việc chuyển đổi số cũng cần kèm theo sự phát triển năng lực của lãnh đạo doanh nghiệp.
Xét ở nhiều góc độ, không chỉ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, số người tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng còn do thế hệ Z – thế hệ được sinh ra sau khi internet trở nên phổ biến rộng rãi (1995-2012), được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ - đang dần trở thành lực lượng dân số chính hiện nay. Vì vậy, ứng dụng công nghệ số trong chi tiêu, mua sắm là xu hướng tất yếu của những người tiêu dùng trẻ hiện đại.
Trong giai đoạn 5- 10 năm tới, thế hệ Z sẽ thay thế toàn bộ lực lượng lao động toàn cầu. Theo đó, kinh doanh thương mại điện tử không chỉ đáp ứng thay đổi nhu cầu hiện tại mà còn đón đầu xu thế tiêu dùng tương lai.
Nhìn về dài hạn, các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số không chỉ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch mà còn là nhân tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Trong xu hướng chuyển đổi số, doanh nghiệp đi sau nhưng linh hoạt và thích ứng nhanh hơn sẽ “làm chủ cuộc chơi”, doanh nghiệp chậm đổi mới sẽ mất dần thị phần và bị đào thải khỏi thị trường.