Đà hồi phục của thị trường chứng khoán ngày 18/3 đã không thể lan tỏa trong phiên giao dịch hôm nay. Bảng điện tử tại cả hai sàn TP.HCM và Hà Nội thêm một ngày bị sắc đỏ bao phủ trong bối cảnh thị trường châu Á vẫn tiếp tục đi xuống còn diễn biến tại Phố Wall hôm qua cũng trong trạng thái tiêu cực.

Chốt phiên 19/3, VN-Index đạt 726 điểm, mất 22 điểm, giảm 2,9% so với hôm qua. Sàn HoSE có 69 mã tăng trong khi số lượng mã giảm giá lên tới 313. Trong ngày giao dịch, có thời điểm VN-Index giảm hơn 30 điểm trước khi lực bán yếu đi giúp đà giảm thu hẹp.

Tại sàn Hà Nội, HNX-Index có mức giảm thấp hơn khi mất 0,8% và kết phiên ở mốc 101 điểm với 100 mã chìm trong sắc đỏ và 55 mã tăng.

Thanh khoản toàn thị trường gần 5.000 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục có phiên bán ròng thứ 28 liên tiếp với giá hơn 500 tỷ đồng. Những mã cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là MSN (Masan) - 83 tỷ; HPG (Hòa Phát) - 78 tỷ; VNM (Vinamilk) - 63 tỷ.

Trong danh mục VN30, 27 mã giảm giá, 2 mã đứng giá và chỉ duy nhất một mã tăng là ROS (FLC Faros). Những mã cổ phiếu bluechip diễn biến tiêu cực nhất là SAB (Sabeco) giảm 7%; VNM (Vinamilk) giảm 6%; PNJ, PLX (Petrolimex), GAS (PV Gas), BVH (Bảo Việt), VCB (Vietcombank) cùng giảm 5%.

Nhóm ngân hàng cũng đồng loạt giảm mạnh. CTG (Vietinbank), TCB (Techcombank), EIB (Eximbank) giảm 4%; BID (BIDV), VPB (VPBank), STB (Sacombank) giảm 3%.

Hầu hết cổ phiếu trong nhóm VN30 lao dốc trong phiên 19/3. Ảnh: Việt Đức.

 

Trong phiên hôm nay, một loạt cổ phiếu liên tục tăng trần trong nhiều phiên trước như QCG (Quốc Cường Gia Lai), nhóm cổ phiếu liên quan đến FLC và lãnh đạo tập đoàn này như AMD (FLC Stone). HAI (Nông dược H.A.I) kết thúc chuỗi ngày ngược dòng thị trường và cùng giảm sàn. Mã FLC cũng giảm hết biên độ sau 4 phiên tăng liên tiếp.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSV), việc nhóm cổ phiếu tăng mạnh gần đây giảm sàn chứng tỏ dòng tiền đầu cơ đã có sự thận trọng.

YVS đưa ra quan điểm hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm ngắn hạn trên hai chỉ số chính với mức kháng cự ở 774 điểm của chỉ số VN-Index và 106 điểm của chỉ số HNX-Index.

VnDirect cũng nhận định bối cảnh hiện tại vẫn rất khó khăn cho chứng khoán Việt Nam khi các thị trường quốc tế liên tiếp giảm điểm kỷ lục. Trong khi đó, áp lực bán ròng mạnh từ khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp diễn. Hầu hết cổ phiếu vốn hóa lớn và tầm trung vẫn đang chịu áp lực bán rất mạnh.

Trong khu vực, mức giảm mạnh nhất hôm nay diễn ra tại thị trường Hàn Quốc khi chỉ số Kosspi giảm 8,4%. Ở New Zealand và Australia, chỉ số NZX 50 và ASX 200 lần lượt giảm 3,6% và 3,4%. Nikkei 225 ở Nhật Bản và Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1%.