"Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" sẽ giúp nhà đầu tư tìm được cơ hội đầu tư gia tăng tài sản dù thị trường ở trong xu hướng tăng hay giảm. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thành Luân, chuyên gia tài chính Công ty CP Chứng khoán Alpha sau phiên giảm mạnh ngày 25/4.
Chứng khoán Việt Nam lao dốc với VN-Index "bốc hơi" gần 5%. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4, VN-Index giảm 68,31 điểm (-4,95%) xuống 1.310,92 điểm.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 21,61 điểm (-6,02%) xuống 337,51 điểm. UPCoM-Index giảm 4,61 điểm (-4,43%) xuống 99,54 điểm.
Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Luân, chuyên gia tài chính Công ty CP Chứng khoán Alpha.
Thưa ông, thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh. VN-Index giảm rất mạnh lên tới gần 5% trong phiên giao dịch đầu tuần, ghi dấu phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm 2021 trở lại đây, chỉ sau phiên 28/1/2021 với mức giảm 6,7%. Theo ông nguyên nhân là do đâu?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm điểm trên diện rộng đến từ các thông tin hình sự hóa các sự vụ liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán, siết chặt chính sách phát hành trái phiếu oanh nghiệp đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, yếu tố chốt lời từ dòng tiền đầu cơ….
Hiện tượng căng nguồn tại các công ty chứng khoán dẫn đến call margin chéo khi có sự giảm mạnh tại các cổ phiếu tăng trưởng nóng cũng tạo nên hiệu ứng bão domino trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới cũng đang ở trạng thái điều chỉnh mạnh cũng như tâm lý "nghỉ lễ rồi tính" cũng ảnh hưởng đến quyết định nắm giữ danh mục của nhà đầu tư phiên 25/04/2022.
Trái ngược với tâm lý bi quan của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại lại liên tiếp duy trì trạng thái mua ròng khá mạnh, với tổng giá trị mua ròng trong tuần qua lên tới hơn 2.500 tỷ đồng. Trong phiên này, khối ngoại tiếp tục giải ngân ròng thêm 250 tỷ đồng. Ông nhìn nhận như thế nào về động thái của khối ngoại?
- Thanh khoản trung bình mỗi phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán hiện nay là 25 -30 ngàn tỷ đồng (năm 2021 ghi nhận những phiên giao dịch lên đến trên 50 ngàn tỷ đồng), như vậy con số 2.500 tỷ không phải là con số lớn và tác động manh mẽ lên dòng chảy thị trường. Thị trường chứng khoán hiện nay hoàn toàn thoát khỏi sự chi phối mua ròng và bán ròng của khối ngoại.
Rất dễ nhận thấy, chiến lược giao dịch của tổ chức và cá nhân tương đối khác nhau về dòng tiền và thời gian nắm giữ. Do vậy, ở quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, thanh khoản từ khối ngoại là kênh thông tin tham khảo để đưa ra chiến lược trong quyết định đầu tư mà thôi.
Thông điệp của Chính phủ là ổn định thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhiều lần trấn an nhà đầu tư không nên hoảng loạn khi vĩ mô có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều khuyến nghị cũng cho rằng, nhà đầu tư tránh bán tháo mà có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và quan sát diễn biến thị trường ở vùng hỗ trợ tiếp theo. Nhưng thực tế, trong thời gian qua nhà đầu tư cắt lỗ sớm thiệt hại ít hơn. Ông nghĩ như thế nào về quan điểm này ở thời điểm hiện nay?
- Quan điểm này không chỉ đúng ở hiện tại, mà luôn đúng khi thị trường bước vào xu hướng giảm. Nhưng việc phân biệt liệu thị trường đang ở xu hướng giảm, hay đơn thuần chỉ là nhịp điều chỉnh trong xu hướng tăng, đấy mới là việc không đơn giản.
Chúng ta có thể thấy 2 năm qua, sau mỗi nhịp điều chỉnh, thị trường và các cổ phiếu lại tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới. Nhà đầu tư đã quen với việc đó, thậm chí mua vào khi đang giảm để bắt đáy. Thông thường khi xu hướng thay đổi đột ngột, nhà đầu tư bị bất ngờ và nếu không tuân thủ nguyên tắc quản trị rủi ro dễ dẫn đến tình trạng bán tháo bằng mọi cách.
Như vậy, nhà đầu tư nên có chiến lược đầu tư gắn liền với quản trị rủi ro danh mục và vốn, trang bị kiến thức về thị trường chứng khoán để có thể phản ứng nhanh với xu hướng thị trường: Không trung bình giá bằng mọi cách, canh các nhịp hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng nắm giữ và tìm cơ hội tham gia khi thị trường rõ xu hướng.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại không nên dùng margin tỷ lệ cao sẽ giúp giảm áp lực về bán ròng, tỉnh táo không 'fomo' ở những nhịp bulltrap.
Vậy ông đánh giá thế nào về thị trường trong các phiên tới, nhà đầu tư nên làm gì ở thời điểm hiện nay?
- Trong bối cảnh hiện tại, xu hướng tăng hay giảm vẫn cần nhiều yếu tố để khẳng định và nhà đầu tư nên bình tĩnh để xử lý tài khoản.
Thứ nhất, nhà đầu tư cần canh nhịp hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng.
Hai là, không sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính nhằm tránh rủi ro về giảm giá.
Ba là, cơ cấu lại danh mục nắm giữ, không đầu tư các dòng thuộc diện đầu cơ, tập trung vào các cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có cổ tức…
"Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" sẽ giúp nhà đầu tư tìm được cơ hội đầu tư gia tăng tài sản dù thị trường ở trong xu hướng tăng hay giảm.