Chuẩn bị xét xử một vụ án cho vay bằng “giấy mượn tiền” có dấu hiệu của hoạt động “tín dụng đen”

Vấn nạn "tín dụng đen" đã và đang gây nên những hệ lụy to lớn đối với đời sống người dân, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực hi vọng ngăn chặn và đẩy lùi loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, "tín dụng đen" lại "biến tướng" hoạt động dưới hình thức cho vay bằng cách ký kết các hợp đồng vay mượn hoặc giấy mượn tiền nhưng không ghi tiền lãi hoặc ghi theo lãi suất của Ngân hàng, nhưng thực tế lãi suất bên vay phải trả lại rất cao.

Thời gian qua, nhiều vụ án liên quan đến tín dụng đen đã được cơ quan chức năng triệt phá, một trong những đặc điểm chung của các hoạt động này là cho vay với lãi suất rất cao, khi các con nợ không thực hiện trả nợ sẽ bị siết nợ bằng mọi cách, thậm chí dùng cả vũ lực. Sau đây là câu chuyện về cho vay bằng “giấy mượn tiền” đang xảy ra tranh chấp chuẩn bị được đưa ra xét xử ở TAND TP. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

hinh-1-1617705635.png

Đơn phản ánh của ông Lê Văn Vịnh

Theo hồ sơ vụ việc, ông Lê Văn Vịnh (sinh năm 1974, trú tại Khu phố Kim Hải, phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) đã phản ánh về hành vi “cho vay lãi suất cao vượt quá quy định pháp luật” của vợ chồng cán bộ của một Ngân hàng Thương mạị cổ phần.

Vào khoảng năm 2018, ông Vịnh có quen biết với ông Trương Ngọc T (viết tắt là ông T) là Giám đốc khu vực của một Ngân hàng TMCP…và vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc H (viết tắt là bà H), cán bộ ngân hàng thuộc Hội sở. Thời điểm đó ông Vịnh có kinh doanh bất động sản chung với 2 vợ chồng ông T và bà H. Trong quá trình làm ăn chung, ngày 26/11/2019 ông Vịnh có mượn bà H số tiền là 1 tỷ đồng (hai bên có viết giấy tay), lãi suất là 5%/tháng trong thời gian 6 tháng. Theo thống kê của ông Vịnh, đến tháng 08/2020 số tiền ông đã chuyển trả lãi là 500 triệu đồng. Đến ngày 13/3/2020, ông Vịnh tiếp tục ký “giấy mượn tiền” với bà H để mượn số tiền là 4,5 tỷ đồng, mục đích mượn là “Thanh toán tiền cho Ngân hàng BIDV, sau khi ngân hàng tài trợ (giải ngân) sẽ hoàn trả lại cho bà H”.

hinh-2-1617705679.jpg

Tờ giấy viết tay mượn tiền giữa ông Vịnh và bà H

Đến ngày 07/04/2020, ông Vịnh vay được tiền từ ngân hàng BIDV (qua hợp đồng thế chấp tài sản) với số tiền là 5 tỷ 450 triệu đồng. Ngày 17/4/2020 ông Vịnh đã chuyển trả cho vợ chồng ông ông T và bà H là 4,3 tỷ đồng (được chuyển trả trực tiếp qua tài khoản cá nhân của ông T là 1,3 tỷ, bà H là 3 tỷ, tài khoản này mở tại Ngân hàng TMCP Kiên Long). Tuy nhiên, nội dung Ủy nhiệm chi mà ông Vịnh ký chuyển tiền lại được ghi là “thanh toán tiền mua gỗ”?.

Đến ngày 28/08/2020, do thiếu tiền để mua gỗ sản xuất (ông Vịnh là chủ xưởng gỗ), ông Vịnh có vay thêm bà H 200 triệu đồng. Bà H yêu cầu ra công chứng khoản vay 1 tỷ và 200 triệu (bằng chuyển khoản) thành 1,5 tỷ đồng. (1 tỷ vay trước và khoản vay 200 triệu lần sau, gộp chung vào là 1,5 tỷ đồng?). Nhưng theo ông Vịnh, tờ giấy viết tay mượn tiền 1 tỷ đồng (vào ngày 26/11/2020), do tin tưởng nên ông không yêu cầu bà H trả lại tờ giấy viết tay này để hủy bỏ.

Thời gian sau, hai bên xảy ra mâu thuẫn, bà H đã nộp đơn khởi kiện ông Vịnh ra TAND TP. Bà Rịa (thông báo thụ lý vụ án số: 219/2020/TLST-DS ngày 16/12/2020 của TAND TP. Bà Rịa). Tuy nhiên trong đơn khởi kiện thì ngoài khoản tiền 1,5 tỷ vay có công chứng, bà H còn yêu cầu ông Vịnh phải trả thêm khoản mượn 4,5 tỷ, (thực tế ông Vịnh đã chuyển trả số tiền trên vào ngày 17/04/2020 theo Khế ước nhận nợ và Ủy nhiệm chi qua tài khoản tại Ngân hàng BIDV của 2 vợ chồng ông T và bà H là 4.3 tỷ đồng).

hinh-7-1617705733.jpg

Ông Vịnh ký Giấy uỷ nhiệm chi chuyển 4,3 tỷ từ ngân hàng BIDV cho bà H

Ông Vịnh khẳng định, số tiền 4,3 tỷ mà ông đã chuyển cho vơ chồng ông T và bà H qua Ủy nhiệm chi ngày 17/4/2020 là để thanh toán “cấn trừ” cho khoản vay 4,5 tỷ mà ông đã vay ngày 13/3/2020, ngoài ra ông không có làm hợp đồng mua bán gỗ với vợ chồng ông T bà H và trả tiền kho khoản này như nội dung của Ủy nhiệm chi ông đã ký chuyển. Theo ông Vịnh, bà H làm đơn khởi kiện yêu cầu trả thêm khoản nợ vay 4,5 tỷ là do ông “chưa xé giấy nợ nên vẫn còn nợ”. Ông Vịnh cho rằng do ông T và bà H không đưa lại giấy mượn tiền này cho ông, và ông nghĩ mình đã chuyển tiền xong là đã hoàn thành việc trả nợ nên không quan tâm đến việc hủy bỏ tờ giấy nợ viết tay 4,5 tỷ kia sau khi đã chuyển trả 4,3 tỷ cho ông T và H.

Ông Vịnh trình bày do quá tin tưởng bạn bè, đồng thời thiếu hiểu biết về pháp luật, và bản thân là người bị mù chữ, không biết đọc, biết viết (ông Vịnh nói chỉ biết mỗi ký và viết được tên của mình). “Hơn nữa, do tin tưởng ông T đang là Giám đốc khu vực của Ngân hàng, bà H là cán bộ của Ngân hàng nên tôi chủ quan không đề phòng. Họ là người có trình độ, có chức vụ, quyền hạn còn tôi là người không có học hành lại bị mù chữ…Hiện nay tôi rất muốn bán bớt các tài sản để trả nợ, nhưng không bán được vì đã bị tòa án ngăn chặn giao dịch theo yêu cầu của nguyên đơn. TAND TP. Bà Rịa đã ra quyết định áp dụng “biện pháp khẩn cấp tạm thời”, phong tỏa ngăn chặn giao dịch tài sản của tôi” - Ông Vịnh cho biết.

hinh-5-1617705772.jpg

Biên bản hòa giải giữa nguyên đơn và bị đơn được lập tại TAND TP Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó có nội dung bà H cho ông Vịnh mượn 1 tỷ với lãi suất 5%/tháng.

Trong các biên bản lấy lời khai, biên bản hòa giải tại TAND TP. Bà Rịa về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn và bị đơn. Hai bên đã khai và cung cấp giấy tờ cho tòa, đại diện nguyên đơn cũng đã thừa nhận đã cho bị đơn là ông Vịnh vay với lãi suất 5%/tháng (nếu vay đủ 12 tháng sẽ là 60% ). Trong một bản tự khai của ông Trương Ngọc T tại TAND TP. Bà Rịa vào ngày 25/2/2021, ông T nêu lên rằng: “Những khoản vợ ông cho ông Vịnh mượn thì ông không hay biết, khi xảy ra vụ việc vợ ông báo thì ông mới nắm sự việc; ông và ông Vịnh là bạn bè, thỉnh thoảng ông Vịnh có mượn ông vài chục, có lúc hơn 100 triệu; riêng số tiền lớn nói đến vay mượn thì ông hoàn toàn không có, Vợ tôi hoàn toàn nắm giữ và cũng không tham gia vay mượn gì đến ông Vịnh, việc ông Vịnh trao đổi với tòa về việc trả 4,5 tỷ cho tôi là không đúng sự thật vì tôi là người không liên quan”. Tuy nhiên, trong bản tự khai này ông T không nhắc đến số tiền mà ông Vịnh đã “chuyển trả” cho ông 1,3 tỷ (vào ngày 17/4/2020 qua ngân hàng BIDV) vào tài khoản của ông đó là tiền gì (?)

Thực - hư, đúng - sai trong vụ việc này sẽ được tòa án có thẩm quyền làm rõ trong phiên xét xử sơ thẩm diễn ra ngày 15/4/2021 sắp tới.

Tuy nhiên, từ thực tế việc cho vay bằng “giấy mượn tiền”, cho vay bằng hợp đồng giả cách… đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, nhiều vụ việc còn có sự tham gia của những băng nhóm “xã hội đen” gây mất trật tự trị an và mất ổn định xã hội như hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, siết nợ…Nhưng hiện nay những quy định pháp luật chế tài, xử phạt với những hành vi này còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe các đối tượng phạm tội. Mặc dù trong thời gian qua các ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ kiên quyết đấu tranh, xử lý các loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” và đòi nợ thuê, nhưng trong quá trình đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm cho vay nặng lãi còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như nhiều nạn nhân bị các đối tượng khống chế, đe dọa cho nên không dám tố cáo. Hơn nữa, lực lượng công an cũng không có thẩm quyền xử phạt hành chính trong việc kinh doanh đòi nợ và cho vay với lãi suất chưa đến mức xử lý hình sự. Việc phát hiện các vụ việc liên quan “tín dụng đen” gặp nhiều khó khăn do các bên thỏa thuận dân sự bằng miệng hoặc các hợp đồng giả cách không thể hiện lãi suất thực tế. Quy định về hành vi cho vay nặng lãi trong luật hình sự chưa chặt chẽ, chế tài xử lý quá nhẹ so với lợi nhuận mà các đối tượng thu được.

Thời gian tới, để khắc phục những khó khăn, bất cập, các bộ, ngành có liên quan cần khẩn trương tham mưu, đề xuất Chính phủ khắc phục những thiếu sót về pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; đồng thời, các cơ quan tố tụng cần thống nhất quan điểm xử lý, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án cho vay nặng lãi.