Đây được đánh giá là một bước đi thận trọng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của thị trường.
Hiện nay, mức thuế chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp là 20%, đối với doanh nghiệp nước ngoài là 0,1% trên doanh thu bán. Trong năm 2021, chứng khoán là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp với hơn 7,7 triệu tỷ đồng.
"Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhỏ và non trẻ so với các thị trường trong khu vực. Quy mô vốn hóa của Việt Nam mới chỉ tiệm cận các nước như Philippines, Singapore, Indonesia, nhưng thanh khoản của chúng ta chưa đạt được so với mức thanh khoản trung bình của các quốc gia đó. Do đó, để phát triển thị trường trong dài hạn, chúng ta cần phải hỗ trợ thị trường nhiều hơn thông qua việc gia tăng sản phẩm mới, thậm chí miễn, thuế phí để nhà đầu tư làm quen với sản phẩm mới này", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết, đánh giá.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng đang đặt ra mục tiêu tăng quy mô, vị thế, thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
"Đến năm 2025, chúng ta mong muốn có khoảng 5 triệu hoặc 5% dân số là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu chúng ta áp dụng tăng thuế, phí ngay lập tức thì cũng đặt ra những khó khăn nhất định với thu nhập của người dân, doanh nghiệp và có vẻ như nó chưa phù hợp về thời điểm", Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, nhận định.
Tương tự với thị trường bất động sản, quy định hiện hành cũng không ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh, mua bán bất động sản khi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện là 20% và với cá nhân là 2% trên mỗi lần mua - bán. Tuy nhiên, để nâng mức thuế giao dịch đối với một lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế cũng vẫn đòi hỏi những tính toán cụ thể, tránh các tác động dây chuyền.
VTV.VN