Sáng nay, 2/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến để lắng nghe, giải đáp ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố nhằm phục hồi nhanh nhất sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, lấy lại đà tăng trưởng cho khu vực kinh tế đầu tàu của đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành dự tại đầu cầu trực tuyến ở Hà Nội. Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời. Khó khăn lớn nhất đã nằm lại phía sau. Tương lai dù còn nhiều thách thức nhưng “ánh sáng đã xuất hiện ở cuối đường hầm”. 

 

Đây là cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề đầu tiên của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh với doanh nghiệp Thành phố - lực lượng sản xuất quan trọng đang có có nhiều tâm tư, nguyện vọng mong muốn được phản ánh tới các cơ quan quản lý Nhà nước để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Buổi tiếp xúc cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch COVID-19; nâng cao hiệu quả triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ và thành phố đối với doanh nghiệp… 

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh  và HĐND Thành phố có sáng kiến tổ chức buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề, theo hình thức trực tuyến với các cử tri là doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Qua đó, thúc đẩy các biện pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh nhanh, hiệu quả hơn. 

Chủ tịch nước gửi lời chia sẻ với chính quyền, đồng bào, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh về những đau thương, mất mát của nhân dân thành phố do dịch COVID-19 gây ra thời gian qua. Chủ tịch nước cũng bày tỏ cảm thông sâu sắc đối với người dân, các doanh nghiệp do phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp giãn xã hội phòng, chống dịch bệnh thời gian qua. 

Chủ tịch nước cho biết, thời gian qua, đã có hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh phải điều trị, gần 15.000 người đã tử vong, hàng nghìn trẻ em mồ côi, nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh hết sức thương tâm. Cùng với đó hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể và ngừng hoạt động. 9 tháng đầu năm 2021, đã có tới 90.300 doanh nghiệp dừng hoạt động, riêng thành phố Hồ Chí Minh có gần 16 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. GRDP của thành phố Hồ Chí Minh Quý 3/2021 là âm 24,39%; 9 tháng âm 4,98%. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Lực lượng lao động giảm trên 22% so với cùng kỳ, cho thấy khó khăn của doanh nghiệp trước nguy cơ thiếu hụt lao động là rất lớn. Bán lẻ hàng hóa giảm gần 18% so với cùng kỳ. Thu nhập, sức mua của người dân và doanh nghiệp bị bào mòn, thiệt hại rất lớn. 

Chủ tịch nước cho rằng, trong bối cảnh hết sức khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh đã cùng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, “nắm tay nhau” vượt qua thời khắc khó khăn nhất trong 35 năm đổi mới.

Chủ tịch nước biểu dương doanh nhân Việt Nam và TPHCM dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực chung sức, đồng lòng cùng chính quyền chống dịch. Hỗ trợ tài lực, vật lực, nhân lực cho tuyến đầu chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã triển khai các chương trình thiện nguyện chia sẻ khó khăn với người lao động, nhường cơm sẻ áo với người dân gặp khó khăn trong cuộc sống. Có thể nói nhiều hình ảnh cảm động, lăn xả của doanh nhân trong công cuộc vận lộn với Covid trong tháng vừa qua. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao và không an toàn nhưng vẫn cố gắng vượt khó với hình thức phù hợp để giữ sản xuất và giữ người lao động, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết đời sống người lao động. Nhiều hành động có thể nói là rất đáng được trân trọng của doanh nhân. 

Cho rằng những nỗ lực của doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước là hết sức kiên cường, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: " Chúng ta tin tưởng khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời. Khó khăn lớn nhất đã nằm lại phía sau. Có thể nói tương lai dù còn nhiều thách thức nhưng ánh sáng đã xuất hiện ở đoạn cuối đường hầm này. Những cơ hội kinh tế đang đã mở ra, không chỉ bù đắp lại mất mát đã qua mà còn cơ hội lớn để bứt phá. Đảng, Nhà nước, chính quyền Thành phố, trước hết là ngành tài chính, thuế, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành Trung ương đang và sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới dần giãn cách xã hội, giúp phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt có một số chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay kể cả tài khóa, tiền tệ và những biện pháp thuận lợi khác. Chính vì thế hôm nay chúng ta có tổ chức cuộc gặp này để nghe kiến nghị của Thành phố, đồng thời các cấp các ngành của Thành phố, đặc biệt của Trung ương có mặt tại hội trường này trả lời chủ đề đặt ra của các doanh nhân TP Hồ Chí Minh". 

Đánh giá cao chia sẻ của Chủ tịch nước tại buổi tiếp xúc, các ý kiến cùa cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất nhiều giải pháp gửi đến các cơ quan chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới. Các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh lo lắng trước thực trạng nhiều chi phí tăng rất cao do ảnh hưởng của dịch bệnh như: Chi phí logistic, nguyên vật liệu xây dựng đều tăng giá, gây khó cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hợp đồng kinh tế đã ký kết, chậm trễ trong giao hàng. Đặc biệt, tỷ lệ lao động bị mất việc làm rất lớn, nhất là trong các ngành giày da, dệt may giảm trên 60%. Khách sạn, lưu trú nhà hàng gần 40%. Tỷ lệ người lao động thất nghiệp tăng cao gây khó khăn cho công tác trợ cấp. Các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ có các giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn, tái cơ cấu lại khoản vay, lãi vay. 

Các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị cơ quan chức năng cần công bố công khai thông tin về chiến lược, kế hoạch và kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo đủ thông tin và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và cũng là cơ sở đẻ doanh nghiệp chủ động các hoạt động sản xuất kinh doanh./.

Vũ Dũng/VOV