Nói về thị trường bất động sản cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, ông Lê Hoàng Châu cho biết hiện tại thị trường đã thích ứng và từng bước phục hồi trở lại nhưng cũng chỉ bằng 44% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, cũng theo ông Châu, hiện tại, thị trường bất động sản đang có một số dấu hiệu đáng quan ngại.
Trước tiên, theo ông Châu, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “giảm tốc”, phát triển chậm lại, trầm lắng, doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu “hụt hơi”.
“Thị trường đang chứng kiến sự giảm thanh khoản. Trong khi đó, doanh nghiệp lại khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu bởi qúy I và tháng 7/2022, doanh nghiệp bất động sản không phát hành được trái phiếu.
Cùng với đó, nhà đầu tư thứ cấp đang khó khăn vì thị trường thứ cấp cũng đang trầm lắng. Và người có nhu cầu thật khó tạo lập được nhà ở hơn trước đây”, ông Châu nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Châu, hiện nay, thị trường bất động sản tiếp tục tình trạng “lệch pha cung cầu”, rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân.
“Nguồn cung nhà ở giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Nếu so sánh với năm 2017 là năm thị trường bất động sản TP. HCM có nguồn cung cao nhất với 42.991 căn nhà thì nguồn cung năm 2018 chỉ bằng 65,8%, năm 2019 chỉ bằng 53,6%, năm 2020 chỉ bằng 39,2%, năm 2021 chỉ bằng 33,6% so với năm 2017”, ông Châu nói.
Riêng với thị trường bất động sản TP. HCM, ông Châu cho biết, đã xuất hiện tình trạng “lệch pha phân khúc thị trường”, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp, trong lúc rất thiếu nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn, thiếu nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân.
Tiếp tục minh chứng cho tình trạng lệch pha cung-cầu, ông Châu cho biết, năm 2020, nhà ở bình dân chỉ chiếm 1%, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 không còn nhà ở bình dân (0%). Ngược lại năm 2020, nhà cao cấp chiếm 42,1%; năm 2021 nhà cao cấp chiếm 74% và trong 06 tháng đầu năm 2022 nhà ở cao cấp chiếm áp đảo đến 80,1%, còn lại là nhà ở trung cấp.
Cũng theo ông Châu, tình trạng “lệch pha cung cầu” đi đôi với “lệch pha phân khúc thị trường”, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp kéo theo giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây.
“Đã xuất hiện nhà liền thổ giá trên 500 tỷ đồng, căn hộ siêu sang trên 100 tỷ đồng và các đợt “sốt ảo” giá đất nền, đất nông nghiệp không có lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản”, ông Châu nói.
Về hoạt động chuyển nhượng dự án, ông Châu cho biết, hiện nay hoạt động này vẫn bị “ách tắc” do “vướng mắc” quy định pháp luật.
“Hiện tại, pháp luật buộc bên chuyển nhượng dự án nhà ở thương mại phải có “sổ đỏ” nên từ đầu năm 2021 đến nay, TP. HCM chỉ có 1 dự án đủ điều kiện chuyển nhượng, mà lẽ ra doanh nghiệp phải được đảm bảo “quyền tự chủ kinh doanh”, trong đó có quyền chuyển nhượng dự án và nộp thuế cho Nhà nước theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020, tức có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan chứ không nhất thiết phải cần đến sổ đỏ”, ông Châu nói.
Để giải quyết vấn đề trên, lãnh đạo HoREA kiến nghị trước hết là tập trung thực hiện chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 “Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất” như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu.