Ông T.K.M - một chủ nhà cho Thế Giới Di Động thuê mặt bằng ở Bình Định - vừa chia sẻ đã hoàn tất xong các thủ tục thanh lý hợp đồng cho thuê mặt bằng trước thời hạn đối với Thế Giới Di Động.
Theo hợp đồng thanh lý do Thế Giới Di Động soạn thảo, chủ nhà phải trả lại bên thuê số tiền 12,5 triệu đồng.
Cụ thể, do bên thuê là Thế Giới Di Động đã đóng tiền thuê cho ông M. đến hết ngày 30/11 (trong kỳ thanh toán từ tháng 9 đến tháng 11). Tuy nhiên do hợp đồng thanh lý sẽ thực hiện từ ngày 15/11 nên bên chủ mặt bằng sẽ phải trả lại cho bên thuê số tiền 15 ngày còn lại tương ứng với số tiền nêu trên.
"Tôi đã chuyển khoản lại đủ số tiền nêu trên. Nếu đi kiện tôi chắc chắn sẽ thắng nhưng mất rất nhiều thời gian công sức", ông M. thông tin.
Trước đó, ông T.K.M nhận được công văn từ phía Thế Giới Di Động về việc chấm dứt hợp đồng thuê trước hạn. Trong công văn, phía Thế Giới Di Động cho biết hiện nay việc kinh doanh tại địa điểm thuê mặt bằng của ông T.K.M không hiệu quả về chi phí. Do đó, căn cứ theo điểm f khoản 1 Điều 6 của hợp đồng thuê, Thế Giới Di Động cho biết sẽ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê trước hạn 15/11, đáp ứng đủ điều kiện thông báo trước 30 ngày.
"Các khoản công nợ, tiền thuê hoặc các chi phí khác sẽ được xác định căn cứ theo Hợp đồng thuê và quy định pháp luật trước ngày chấm dứt. Kính mong quý đối tác đề xuất thời gian để đại diện công ty gặp trao đổi chốt lại các vấn đề còn lại khi kết thúc hợp đồng", công văn của Thế Giới Di Động nêu rõ.
Thế Giới Di Động cũng cho biết "mong đối tác ủng hộ, tạo điều kiện về việc bàn giao, chấm dứt đúng quy định tại hợp đồng". Ngay sau khi nhận được công văn, ông M. cũng chia sẻ cảm thấy "mệt mỏi" và sẵn sàng "chấp nhận thua thiệt" để họ trả mặt bằng, dọn đi càng sớm càng tốt.
Trao đổi với , luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp Trị (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, dù dịch bệnh Covid-19 có được coi là sự kiện bất khả kháng thì người thuê nhà cũng không thể đương nhiên được miễn tiền hay giảm tiền thuê nhà.
Theo luật sư Lực, hợp đồng là luật giữa hai bên, quyền nghĩa vụ hai bên theo thỏa thuận trong hợp đồng có hiệu lực bất biến. Trong hợp đồng giữa hai bên nếu không quy định các điều khoản được miễn, giảm tiền nhà khi xảy ra các sự kiện pháp lý nhất định thì hành động đơn phương thay đổi của một bên hoàn toàn không có giá trị pháp lý với bên còn lại.
Bộ Luật dân sự năm 2015 chỉ quy định 2 trường hợp dù trong hợp đồng không quy định nhưng một bên vẫn có quyền vận dụng thực hiện hành vi pháp lý đơn phương dẫn tới bên còn lại phải có nghĩa vụ phản hồi. Đó là sự kiện bất khả kháng và thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tuy nhiên hai trường hợp này chỉ dẫn đến việc bên thuê không phải chịu tiền phạt do thanh toán chậm tiền thuê nhà và hai bên có nghĩa vụ đàm phán lại để giảm tiền thuê nhà.
Trong khi đó, bình luận về vụ việc Thế Giới Di Động tự ý miễn giảm tiền mặt bằng gây tranh cãi, TS. Đoàn Đình Hoàng - chuyên gia marketing, xây dựng thương hiệu - nhấn mạnh với : Hãy coi đó là việc bình thường trong nền kinh tế thị trường. Nếu có kiện ra tòa thì đây cũng là tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh tế, cơ bản vẫn sẽ hướng tới đàm phán, thỏa thuận.
Cả hai bên - chủ mặt bằng và người thuê - đều là những người cẩn trọng khi ra quyết định ký kết hợp đồng, thỏa thuận giao dịch, họ nắm được việc tuân thủ hay không tuân thủ hợp đồng thì hậu quả sẽ thế nào.
"Đặc biệt với Thế Giới Di Động, họ là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong thuê mướn mặt bằng, họ chắc chắn đã hình dung hết mọi khả năng, lường trước được vấn đề", ông Hoàng nói.
Trong trường hợp bên chủ mặt bằng kiện phía Thế Giới Di Động ra tòa như một số giả thuyết đưa ra, ông Hoàng cho rằng phía người cho thuê cũng có thể có một số lợi thế về các điều khoản trong hợp đồng. Họ có thể yêu cầu phía Thế Giới Di Động tuân thủ hợp đồng nhưng trong nền kinh tế thị trường, đối phương cũng sẽ tìm cách giành lợi thế cho họ.
Theo đó, Thế Giới Di Động vẫn có khả năng "lấn át" người cho thuê. Bởi nếu chủ mặt bằng xác định khởi kiện sẽ phải đối mặt với những trình tự thủ tục pháp lý khá tốn kém và mất thời gian. Nếu thời gian kiện tụng kéo dài cả một năm thì đồng nghĩa với việc mặt bằng sẽ phải "đắp chiếu" cả năm vì đang xảy ra tranh chấp. Như vậy thiệt hại đối với họ cũng không nhỏ. Giả sử với các chủ mặt bằng lớn, có tiềm lực thì họ có thể chọn cách này, còn đối với các chủ mặt bằng nhỏ lẻ thì chưa chắc họ đã lựa chọn.
Nguyễn Khánh