Đất sổ đỏ vẫn bị quy là lấn chiếm
Ngày 23/1/2021, làm việc với UBND phường Mũi Né, bà Trần Thị Ngọc Nữ cung cấp các căn cứ về nguồn gốc đất mà bà sử dụng tại phường Mũi Né, TP Phan Thiết. Từ năm 2002 đến năm 2010, trên 10 người ở đây có đất liền nhau đã chuyển nhượng cho bà, diện tích tổng cộng 15.817m2, bà Nữ sử dụng không bị ai tranh chấp. Sau đó cơ quan chức năng đo vẽ, diện tích này thuộc thửa số 19, tờ bản đồ số 114, nằm bên đường Xuân Thủy, khu phố Long Sơn, phường Mũi Né. Ngày 8/1/2021, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết có Quyết định số 86/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nữ, mức phạt tiền 25 triệu đồng, vì xây dựng nhà không phép trên thửa đất số 43, cũng thuộc tờ bản đồ số 114. Thửa này diện tích 1.080m2, bà Nữ mua của ông Đoàn Ngọc Ánh, đã có nhà trước khi bán, rồi bà Nữ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Chủ tịch UBND TP Phan Thiết cũng có Quyết định số 87/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nữ “vì chuyển đất rừng trồng sang đất phi nông nghiệp, không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, phạt tiền 7,5 triệu đồng, buộc nộp 57.560.654 đồng từ thu nhập vi phạm nói trên”. Nhưng thửa này cũng đã được cấp sổ đỏ ngày 26/9/2017.
Ngày 26/2/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 529/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính bà Nữ, vì lấn chiếm 15.817m2 đất của Nhà nước, phạt 100 triệu đồng, buộc nộp lại 143.589.608 đồng từ thu nhập vi phạm hành chính; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và trả lại đất lấn chiếm cho phường Mũi Né... Tuy nhiên, ngày 25/2/2019, cơ quan quản lí đất đai TP Phan Thiết tiến hành đo đạc, chỉnh lí, lập bản đồ 1/2000, đã xác định chủ sử dụng thửa đất số 19, tờ bản đồ số 114 là bà Trần Thị Ngọc Nữ. Thế mà giờ lại quy kết bà Nữ lấn chiếm đất của Nhà nước. Bà Nữ khiếu nại nhưng không được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và Chủ tịch UBND TP Phan Thiết trả lời, nên bà đã khởi kiện ra Tòa án.
Pháp luật phải thượng tôn
Nếu bà Nữ lấn chiếm đất của Nhà nước, xây dựng nhà ở không phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật... thì chính quyền phường Mũi Né phải lập biên bản vi phạm hành chính (quy định tại Điều 58 Luật Xử lí vi phạm hành chính), đồng thời người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản (Điều 66 Luật đã dẫn). Thực tế bà Nữ mua và sử dụng đất từ những năm 2002 - 2010, nếu có bản vi phạm, bị lập biên bản, bị xử phạt vi phạm hành chính, hay bị cưỡng chế thì đều phải diễn ra trước năm 2011, chứ không thể đến năm 2021 mới “xử phạt vi phạm hành chính”, mà không cần “biên bản vi phạm”. Trường hợp đất lấn chiếm mà 10 năm không xử lí, không cưỡng chế thu hồi thì trở thành hợp pháp.
Còn chuyện nhà không phép mọc lên hàng loạt, bởi chính quyền buông lỏng quản lí. Nhà dân bên đường lớn, mỗi nhà làm từ 4 đến 6 tháng, cán bộ phường, qua lại ghé chơi, không cần nhắc nhở. Nhà bà Nữ sử dụng 4 - 5 năm, phường mới tham mưu cho cấp trên xử phạt vi phạm hành chính, mà không có biên bản vi phạm. Như vậy, từ biên vi phạm, đến biên bản xử phạt vi phạm hành chính rồi cưỡng chế... đều đã hết thời hiệu từ lâu. Tuy nhiên, dân có ý thức nên công trình không vi phạm quy hoạch, vì thế phải công nhận thực trạng cho người sử dụng đất, sở hữu nhà, vì lỗi là do chính quyền.
Ngày 10/5/2021, UBND TP Phan Thiết huy động lực lượng phá dỡ con đường bê tông dài 20m, rộng 4m từ thửa đất số 19 đi ra đường công cộng, mà không có quyết định, thậm chí thông báo cũng không. Cuộc cưỡng chế kéo dài suốt nửa ngày, hôm sau, nhiều tờ báo in và báo mạng khu vực phía Nam viết bài về vụ cưỡng chế này. Bà Nữ cho rằng, đất của bà đã có sổ đỏ, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh buộc bà giao trả vì lấn chiếm của Nhà nước, nên bà khởi kiện. Trong khi Tòa đang thụ lí, UBND TP Phan Thiết căn cứ vào đâu để cưỡng chế? Nếu bà làm đường đi ra đường công cộng mà vi phạm, thì chính quyền cứ theo Luật Xử lí vi phạm hành chính mà làm. Cưỡng chế công trình trên đất đang tranh chấp, lại không có quyết định, là chưa đúng quy định pháp luật.
Theo Hoàng Kim - Thuận Hóa