Covid-19 gây ra cú sốc lớn cho toàn thế giới, nhưng cũng là "phép màu" thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn
Chia sẻ tại buổi toạ đàm "Giải mã điều kỳ lạ của kinh tế số năm 2020 và dự báo xu hướng 2021" do Kênh thông tin CafeF phối hợp với chuyên trang Nhịp sống kinh tế của Báo điện tử Tổ quốc và VietinBank tổ chức chiều ngày 22/12, GS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, chuyển đổi số ở Việt Nam đã diễn ra khá rõ ràng từ trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Covid-19 gây ra cú sốc cho cả thế giới, nhưng lại tạo một cú nhảy vọt từ nền kinh tế vật thể sang kinh tế số, nên kinh tế tăng ghê gớm.
"Khi Covid-19 xảy ra, nền kinh tế thực đứt cả cung lẫn cầu và giao tiếp xã hội. Theo một cách nào đó, Covid-19 đã có công lao to lớn, là thúc đẩy kinh tế thực sang kinh tế số như một phép màu, thúc đẩy loài người tiến bộ. Tất nhiên chúng ta vẫn sẽ có sự khó chịu về đại dịch này, nhưng trong nguy có cơ, không chỉ có rủi ro thuần túy. Ví dụ, trong lúc cả thế giới bàng hoàng khi kinh tế suy giảm 5-6% thì có một nhóm đại gia có tài sản tăng vọt ghê gớm. Theo thống kê, đó là khu vực liên quan công nghệ cao kinh tế số. Có những tỷ phú chỉ trong vài tháng, tài sản tăng lên bằng lần, như Elon Musk. Tóm lại, Covid-19 đã tạo ra cú sốc, đồng thời tạo ra bước nhảy có tính thời đại và đó là điều đáng ghi nhận", ông Thiên nói.
Ông Tuấn Nguyễn, Phó Tổng giám đốc VCCorp thì phân tích cụ thể hơn rằng, khi Covid-19 ập đến, nhân viên phải làm việc tại nhà, cửa hàng đóng cửa, khách nước ngoài không có, hàng không ngưng trệ. Ngay lập tức, doanh số teo tóp, thậm chí tụt về 0 trong khi kinh phí vẫn phải trả đều đều, tài sản tích cóp bao nhiêu năm bốc chốc phải mang ra chống đỡ. Để duy trì và đảm bảo nguồn thu, buộc doanh nghiệp phải đi giải pháp mới, để "cứu" những gì đã làm. Khi Covid-19 xảy ra, họ nhận ra rằng thế giới đang thay đổi rất nhanh. Từ trước đến nay, họ thường cho rằng chuyển đổi là dành cho những nước lớn và hầu như không chú ý đến vấn đề này. Họ tìm kênh bán hàng, kênh marketing mới. Với những doanh nghiệp năng động và thức thời, họ đã ứng dụng mô hình O2O hay đa kênh từ trước, do đó khi kênh này bị đóng thì vẫn còn kênh khác hoạt động, và đại dịch Covid là cú huých để chứng minh những kênh online phát huy được hiệu quả tối đa.
Ông Tuấn Nguyễn dẫn thống kê của Bizfly có được cho thấy, trước khi Covid-19 bùng phát, chỉ 20% doanh nghiệp để ý đến chuyển đổi số. Sau 6 tháng, có đến hơn 70% chú ý đến quá trình này và trên 50% đang thực hiện. Họ nhận ra, Covid-19 là thách thức, cũng như cơ hội để thực hiện chuyển đổi số.
Ở khía cạnh ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết, chuyển đổi số riêng trong ngân hàng đã bứt phá rất mạnh. Trước đây, ngân hàng và doanh nghiệp cũng đã thực hiện đầu tư nhiều cho công nghệ, trong đó việc thay đổi thói quen người dùng khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ công nghệ là rất quan trọng. Và Covid-19 đã tạo cú huých giúp cho quá trình thay đổi thói quen này diễn ra nhanh hơn. Các hoạt động ngân hàng đều có thể thực hiện từ xa qua thiết bị kết nối internet. Thay vì phải di chuyển đi lại thì một cuộc video cũng đã giúp giám đốc chi nhánh gặp được khách hàng, giải quyết được vấn đề.
Doanh nghiệp trước đây không quan tâm nhiều về giao dịch internet banking, họ thích đến giao dịch tại chi nhánh hơn. Nhưng Covid-19 xảy ra, họ bắt đầu quan tâm đến ứng dụng số hơn, thay vì làm hồ sơ giấy, họ vào ứng dụng để gửi thông tin đăng ký tại chỗ mà không phải đi lại. Ngân hàng cũng cung cấp các dịch vụ tích hợp về kế toán cho khách hàng doanh nghiệp, những tiện ích này đã tạo nên tăng trưởng đột biến như đã thấy.
"Chẳng hạn trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng khách hàng doanh nghiệp của chúng tôi đã tăng 50% với hơn 12,5 triệu giao dịch, đây là con số khổng lồ" – ông Lân dẫn chứng.
Đối với khách hàng cá nhân cũng vậy, trước đây họ đã sử dụng mobile banking và càng dùng họ sẽ thấy trải nghiệm tiện lợi hơn. Nhiều ngân hàng, bao gồm cả VietinBank, cũng đã đã tích hợp hệ sinh thái để không chỉ có dịch vụ tài chính mà khách hàng còn thực hiện mua sắm, đặt vé cùng các dịch vụ khác trong đời sống qua mobile banking.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó TGĐ VietinBank
Cùng quan điểm với các chuyên gia rằng Covid-19 là cú huých với chuyển đổi số nhưng ông Lân cũng khẳng định trong ngân hàng không phải chờ đến khi có dịch bệnh thì chuyển đổi số mới diễn ra mà các ngân hàng đã chuẩn bị kỹ từ trước đó. "Covid-19 cộng hưởng vào và thay đổi nhận thức thói quen rất lớn cho người dân. Nếu khách hàng không sẵn sàng, chuẩn bị trước thì dù khách hàng thay đổi cũng sẽ không thể đạt được tăng trưởng đột biến" ông ghi nhận.
Năm 2021, ngân hàng và thương mại điện tử sẽ có lợi thế hơn
Dự báo về xu hướng chuyển đổi số của năm 2021, TS. Trần Đình Thiên cho rằng trong năm 2020 chúng ta đã có nền tảng sẵn sàng chuyển đổi số, cộng thêm cú huých Covid-19 (dù rằng cú huýnh của nước ta không mạnh như các quốc gia khác) nên năm 2021 tình hình sẽ tốt hơn, song không vì thế mà chủ quan, mà phải phải lường đến nguy cơ, rủi ro của dịch và phòng chống dịch bằng số hóa, bằng công nghệ chứ không chỉ là kinh tế cũ, logic cũ.
"Chúng ta vừa tự giác nhận thức được nhu cầu chuyển đổi số trên cơ sở 2020, vừa chịu áp lực đè nặng về Covid-19 trên khắp thế giới trong năm 2021, nên phải quyết tâm cao hơn nữa. Việt Nam, gọi là may mắn cũng được, nhưng tóm lại chúng ta không bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi Covid-19 so với các quốc gia khác. Chúng ta không tổn thất quá nhiều, nên có điều kiện để vượt trước, đứng dậy sớm hơn. Nếu chúng ta đi trước mà ý thức được thì chúng ta có thể xử lý tốt cơ hội" – ông nói.
Và ông kêu gọi các doanh nghiệp, nền kinh tế hãy ứng dụng công nghệ số tối đa vào việc phòng và chống dịch, hãy tận dụng được kinh nghiệm từng có trong quá trình chống dịch để thúc đẩy kinh tế số.
TS. Trần Đình Thiên chia sẻ tại toạ đàm
Ông Tuấn Nguyễn, Phó Tổng giám đốc VCCorp, founder BizFly trong khi đó có chút lo lắng rằng năm 2021 có thể chưa chắc đã ổn hơn, nhưng công cuộc chuyển đổi số - với khoảng hơn 70% doanh nghiệp đã sẵn sang chuyển đổi số và 50% đang thực hiện - đang có những tín hiệu đáng mừng. Khi có những doanh nghiệp chuyển đổi thành công điển hình, từ đó các doanh nghiệp khác sẽ nhận được động lực và công cuộc chuyển đổi số sẽ lan toả nhanh hơn. Nhưng các doanh nghiệp cũng không nên, không cần phải coi chuyển đổi số như "đũa thần" giúp họ thay đổi hoàn toàn mà cần có quá trình. Trước tiên, các doanh nghiệp nên cân nhắc họ đang gặp khó chỗ nào để giải quyết những khó khăn đó. Riêng về chuyển đổi số, họ chưa cần thiết chuyển đổi toàn diện, mà nên thực hiện ở quy mô nhỏ trước sau đó mở rộng dần, bởi chưa chắc việc chuyển đổi đã đúng khi quá trình này cần phải đúng thời điểm, đúng người và cần thời gian.
Ở khía cạnh người làm ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank lại rất kỳ vọng vào năm 2021, vì theo theo ông năm 2020 NHNN đã làm được nhiều việc rất tích cực như ra đời Thông tư 16 cho mở tài khoản eKYC. Ngoài ra, dự kiến nhiều quy định mới như về online lending cũng sẽ sớm được ban hành tạo nền tảng cho phổ cập tài chính toàn diện.
"Đây là cơ hội bùng nổ phổ cập dịch vụ tài chính cho tất cả mọi người dân. eKYC giúp người dân mở tài khoản chưa bao giờ tiện lợi hơn thế. Tôi thực sự rất mong chờ đợi năm 2021 để thấy sự bùng nổ, sự cạnh tranh trong chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng"- ông Lân nhấn mạnh.
Dự báo về ngành nghề nào sẽ có sự bứt phá, có lợi thế trong năm 2021 nhờ nền tảng chuyển đổi số đã có được, TS. Trần Đình Thiên cho rằng lĩnh vực ngân hàng và thương mại điện tử vẫn sẽ bứt phá mạnh nhất trong số các ngành nghề. Các công ty về tái cơ cấu trên nền tảng quản trị cơ bản cũng sẽ phát triển mạnh.
Ông đồng thời nhắn gửi, số hóa làm chúng ta ý thức rất cao về tính công khai minh bạch, thay đổi hoàn toàn quan hệ giữa cơ quan nhà nước với nhân dân, làm cho mối quan hệ đó rõ ràng hơn, tạo ra sức mạnh, động lực cho phát triển. Số hóa cũng tạo ra những thách thức về việc đảm bảo an toàn cho nền kinh tế số. Từ trước tới nay chúng ta vẫn đảm bảo theo kiểu trật tự công cộng nhưng trên nền tảng số thì rất khác và khi có vấn đề xảy ra thì hậu quả lớn hơn nhiều. Vì thế, theo chuyên gia Trần Đình Thiên, cần phải đầu tư cho hệ thống an toàn thông tin, đây là vấn đề sống còn chứ không đơn giản là thiệt hại. Không chỉ doanh nghiệp phải lo cho mình mà toàn dân cũng cần phải ý thức và Chính phủ phải có chương trình quốc gia về an toàn thông tin ./.
Theo Nhịp sống kinh tế
Link nguồn: https://cafef.vn/cho-doi-su-bung-no-ve-chuyen-doi-so-trong-nam-2021-20201223072109186.chn