Nhận định được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020, vừa được công bố sáng 12/1 tại Hà Nội.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, trình bày Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh. 

Hai vấn đề nổi lên trong năm 2020 được Báo cáo tập trung là các quy định về điều kiện gia nhập thị trường và khung khổ pháp lý cho kinh tế số.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2020 được Ngân hàng Thế giới công bố năm 2019 thì thủ tục khởi sự kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 115/190 nền kinh tế, đứng thứ 6 ASEAN với 08 thủ tục, thực hiện trong 16 ngày.

Trước thực tế trên, Nghị định 122/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã xây dựng quy trình liên thông giữa các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, thủ tục về hóa đơn, chứng từ, tích hợp ba quy trình: đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình việc sử dụng lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào quy trình thành lập doanh nghiệp.

Theo quy định mới này, doanh nghiệp sẽ chỉ phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, kê khai 01 biểu mẫu, thực hiện tại 01 cơ quan và nhận 01 kết quả thống nhất, rút ngắn được tối đa thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp (trong 03 ngày - đúng thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp), việc đề nghị mua hóa đơn vẫn thực hiện tại cơ quan thuế trong thời hạn 02 ngày.

“Như vậy, quy định tại Nghị định 122/2020/NĐ-CP đã rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh, góp phần tinh giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường”, nhóm nghiên cứu của VCCI nhận định.

Cùng với đó, Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài theo hướng bổ sung đối tượng được miễn lệ phí môn bài gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới thành lập. Nếu như trước đây, bất kỳ chủ thể kinh doanh nào gia nhập thị trường đều phải đóng lệ phí môn bài và đây là mức phí được đóng hàng năm, theo quy định của Nghị định 22/2020/NĐ- CP thì trong năm đầu tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra hoạt động kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ không phải đóng lệ phí môn bài. Việc miễn đóng lệ phí môn bài trong năm đầu kinh doanh sẽ tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường.

“Việc ban hành các nghị định trên đã thể hiện nỗ lực rất đáng ghi nhận của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cách tiếp cận này dự báo sẽ đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tăng hạng của Việt Nam về chỉ số gia nhập thị trường trong Doing Business của Ngân hàng Thế giới trong thời gian tới”, VCCI nhận định.

Tư duy quản lý chuyển mình mạnh mẽ

Nhận định tư duy quản lý về kinh doanh của các nhà soạn chính sách đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, báo cáo của VCCI cho rằng trong mấy năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động thúc đẩy môi trường kinh doanh, đặc biệt liên quan đến cải cách thể chế.

Tỷ lệ tiếp thu ý kiến góp ý của VCCI năm 2020 của các Bộ, ngành là 54,92% (212/386 ý kiến). Tỷ lệ tiếp thu tăng dần đều trong ba năm trở lại đây và đặc biệt, năm nay tỷ lệ này cao hơn hẳn so với hai năm trước (44,08% của năm 2019 và 42,51% của năm 2018).

Tỷ lệ tiếp thu cao hơn là tỷ lệ không tiếp thu cho thấy, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe nhiều hơn, điều này cũng thể hiện tinh thần cầu thị của các nhà hoạch định chính sách. 

Trong bốn năm trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều đợt rà soát về điều kiện kinh doanh (năm 2016 tổng rà soát ban hành hơn 50 nghị định về điều kiện kinh doanh; năm 2018, tổng rà soát với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất là 50% tổng số điều kiện kinh doanh hiện hành; năm 2019 yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa về điều kiện kinh doanh vẫn được đặt ra ở các bộ) trong đó đã bãi bỏ, đơn giản hóa một số lượng lớn điều kiện kinh doanh bất hợp lý và chưa đảm bảo tính minh bạch.

Các quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ khi ban hành, chính sách quản lý về kinh doanh cũng cởi mở và thông thoáng hơn, thể hiện đậm nét quan điểm về “quyền tự do kinh doanh" của doanh nghiệp, người dân.

Về cơ bản, các văn bản pháp luật về kinh doanh được soạn thảo và/hoặc ban hành trong năm nay đã thể hiện được đúng hướng về tinh thần cải cách, thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ đã đề ra và theo đuổi trong suốt thời gian qua. Môi trường đầu tư kinh doanh vì thế cũng đã thuận lợi hơn.

“Nhưng điều này không có nghĩa là các chính sách hiện tại đã hoàn hảo. Trong năm 2020, một số văn bản đã được soạn thảo/ban hành vẫn còn thấp thoáng của “tư duy cũ"- áp đặt các biện pháp quản lý khắt khe quá mức cần thiết; chưa tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp dân doanh hoạt động hay thủ tục hành chính còn chưa minh bạch”, nhóm nghiên cứu nhận định.

Vẫn còn dư địa cải cách

Cùng với đó, có thể nhận thấy những bước tiến lớn và thành tựu đáng ghi nhận của các nhà hoạch định chính sách trong việc cải thiện các điều kiện gia nhập thị trường. Phần lớn các điều kiện kinh doanh được thiết kế chặt chẽ, cụ thể và kiểm soát được mục tiêu quản lý trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, một số vướng mắc, bất cập về các điều kiện gia nhập thị trường (bao gồm các điều kiện kinh doanh; trình tự, thủ tục để gia nhập thị trường) vẫn còn tồn tại và cần được khắc phục trong thời gian tới.

Nhóm nghiên cứu cho rằng vẫn có thể đưa ra một số ngành, nghề nữa ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện. Báo cáo nhắc tới các ví dụ như tuy cùng cơ chế quản lý nhưng lại có ngành nghề lại được bỏ ra khỏi danh mục, có ngành nghề lại được giữ lại.

Chẳng hạn “kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế” đã được đưa ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, nhưng “kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương”, “kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” vẫm nằm trong danh mục.

Kinh doanh thực phẩm cùng cơ chế quản lý theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, vì vậy việc bỏ kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của ngành này nhưng giữ lại kinh doanh thực phẩm của ngành khác trong danh mục đưa đến sự thiếu nhất quán trong chính sách.

Cùng với đó, vẫn còn tồn tại các dạng điều kiện kinh doanh chưa phù hợp. Ví dụ, một số ngành nghề như cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; cung cấp thông tin tín dụng; hoạt động của nhà xuất bản; kinh doanh dịch vụ bưu chính yêu cầu về vốn pháp định trong các điều kiện kinh doanh dường như là chưa phù hợp.

Phải có “phương án kinh doanh” tại thời điểm xin cấp giấy phép kinh doanh là một trong những yêu cầu trong một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là điều kiện kinh doanh chưa hợp lý, ít ý nghĩa và chưa minh bạch. Bởi, “phương án kinh doanh” có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến của thị trường, chiến lược, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Báo cáo nhắc tới Nghị định 88/2014/NĐ-CP, Nghị định 151/2018/NĐ-CP quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phải có “Phương án kinh doanh có nội dung: Dự kiến doanh thu và chi phí hoạt động; Dự kiến nguồn dữ liệu sử dụng”.

Cùng với đó là các dạng điều kiện kinh doanh được thiết kế theo hướng định tính, sử dụng những cụm từ như “đủ”, “phù hợp”, “cần thiết”. Các dạng điều kiện này đưa đến nhiều cách diễn giải khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan cấp phép. Điều này tạo ra nguy cơ nhũng nhiễu của các cán bộ thực thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Một số điều kiện kinh doanh được thiết kế theo hướng can thiệp trực tiếp vào quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và ít ý nghĩa trong hoạt động quản lý nhà nước. Ví dụ yêu cầu doanh nghiệp phải có hợp đồng thuê kho/phương tiện vận tải với thời hạn tối thiểu từ năm (05) năm trở lên.

Hà Chính