Trong báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 mới đây của Bộ phận phân tích công ty chứng khoán SSI (SSI Research), các chuyên gia đánh giá, cổ phiếu ngân hàng vẫn còn khả năng tăng giá với nhiều yếu tố xúc tác hỗ trợ.

Trong đó, yếu tố đầu tiên là tiếp tục làn sóng lên sàn/ chuyển sàn của các nhà băng. Cụ thể, dự kiến, việc niêm yết của SeaBank và OCB sẽ thực hiện vào quý 1/2021, theo sau là các tên tuổi khác vì mới chỉ có 21 ngân hàng niêm yết trong tổng số 31 NHTMCP.

Các đợt phát hành riêng lẻ của BIDV và Vietcombank được kỳ vọng sẽ có nhiều tiến triển. Đồng thời, việc bán các công ty con có thể bổ sung vốn cho ngân hàng.

Yếu tố quan trọng theo SSI là sự kiện NHTM quốc doanh cuối cùng trong lộ trình IPO. Agribank - ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản mới đây đã đề xuất kế hoạch IPO khá hấp dẫn. Thông thường, quá trình IPO mất khoảng hơn hai năm. Kế hoạch mới đề xuất bao gồm cổ phần hóa hai giai đoạn, trong đó trước tiên Agribank sẽ bán 0,5% cổ phần cho cán bộ nhân viên, sau đó niêm yết trên sàn. Trong giai đoạn thứ hai, sau khi các nhà đầu tư có thêm thời gian để thẩm định và / hoặc hiểu biết thêm về ngân hàng, đợt IPO chính thức sẽ được thực hiện với mức độ minh bạch cao hơn.

"Đây hiện mới chỉ là một đề xuất, mặc dù chúng tôi rất ủng hộ ý tưởng này. Nếu được thông qua, tỷ trọng của hệ thống ngân hàng trong VNIndex theo quan điểm của chúng tôi sẽ tăng vọt và đây có thể là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự tăng trưởng của ngành", nhóm phân tích cho biết.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro như việc dịch bệnh Covid có thể quay trở lại và Việt Nam tiếp tục trì hoãn việc mở cửa trở lại sẽ dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng cao, cũng như chi phí tín dụng tăng. Ngoài ra, nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản khi giá nhà đất đã tăng đáng kể trong những năm gần đây và làm tăng sức nóng của thị trường bất động sản.

Theo dự báo của SSI Research, lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Năm 2021, SSI ước tính Lợi nhuận trước thuế (LNTT) trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trưởng 21,0% so với cùng kỳ. Các NHTM quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng LNTT cao hơn (tăng 30%) so với NHTM cổ phần ( tăng17,2%) do LNTT 2020 của các NHTM quốc doanh ở mức thấp (giảm 6% so với 2019).

Các động lực tăng trưởng LNTT chính trong năm 2021 bao gồm tăng trưởng thu nhập lãi thuần mạnh mẽ hơn, nhờ mở rộng tín dụng và NIM cải thiện nhẹ. Năm 2021, SSI ước tính thu nhập lãi thuần sẽ tăng 15% trong khi tăng trưởng tín dụng là 12-13% so với cùng kỳ. NIM tại nhiều ngân hàng sẽ cải thiện. NIM trung bình năm 2021 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu sẽ tăng 10 điểm cơ bản lên 3,56%.

Ngân hàng sẽ tiếp tục được lợi từ việc chi phí vốn giảm khi lãi suất huy động đã giảm từ 2-2.5% vào năm 2020 và mức giảm mạnh diễn ra trong nửa cuối năm 2020. SSI cho rằng lãi suất huy động sẽ dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ (30-50 bps) trong nửa cuối năm 2021 do tín dụng tốt hơn. Môi trường lãi suất huy động thấp này sẽ tiếp tục giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn.

Dự kiến năm 2021, gói hỗ trợ Covid hết hạn. Năm 2020, hệ thống ngân hàng đã miễn/ giảm lãi suất cho vay đối với 590.000 khách hàng với tổng dư nợ cho vay là 1 triệu tỷ đồng (11% tổng dư nợ toàn hệ thống), giảm lãi suất cho vay từ 0,5% -2,5%/ năm cho gần 2,3 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay mới của 359.000 khách hàng. Khoảng 80% các gói hỗ trợ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 23/1 đến 30/6/2020 và đã dần hết hạn vào Quý 3/2020. Phần còn lại sẽ hết hạn vào Quý 4/2020 và Quý 1/2021.

Thu Thủy

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

link nguồn: https://cafef.vn/chat-xuc-tac-nao-giup-gia-co-phieu-ngan-hang-tang-trong-nam-2021-20210107101914305.chn